Sau khi tiến hành nạo vét 27.000 m2 cát và đào sâu vào bờ kênh Suez, tàu Ever Given đã nổi trở lại và không còn mắc vào bờ cát. Nhưng chưa rõ bao lâu nữa tuyến đường hàng hải này mới được khai thông.
Bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given xảy ra sau khi các máy xúc và sà lan hút cát được điều động đến và hút hơn 27.000m3 cát quanh mũi tàu. Nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape cho biết 10 tàu lai dắt đã tham gia vào hoạt động giải cứu tàu Ever Given.
Trước đó, nhiều biện pháp khác đã được đưa ra để nhanh chóng khắc phục sự cố. Hàng trăm tàu đang bị kẹt ở hai đầu kênh Suez đã tính đến giải pháp thay thế đắt đỏ là vòng qua mũi Hảo Vọng. Lộ trình này có thể mất đến gần 6 tuần so với chỉ 13 ngày nếu đi qua kênh đào.
Mặt khác, Tổng thống Ai Cập Abde Fattahel-Sisi cũng đã ra tuyên bố sẽ chuẩn bị dỡ hàng hóa khỏi con tàu container siêu trường siêu trọng bị mắc cạn ở kênh đào Suez nếu mọi nỗ lực khác nhằm giải quyết vụ tắc nghẽn đều thất bại.
Mặc dù vậy, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez là hồi chuông cảnh báo cho ngành vận tải biển quốc tế. Khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển vẫn đang tăng lên nhanh chóng, từ mức 8,4 tỷ tấn trong năm 2010 đã tăng lên 11,1 tỷ trong năm 2019. Khối lượng càng tăng lên thì tầm quan trọng của những eo biển này càng lớn hơn bao giờ hết.
Nhưng đối với thương mại toàn cầu vốn đang quay cuồng với giá cước tăng cao, tình trạng thiếu thiết bị và những gián đoạn do đại dịch gây ra, sự cố Ever Given đã làm trầm trọng thêm khó khăn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Paul Hong, Giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu và các nghiên cứu về Châu Á tại Đại học Toledo, kênh đào Suez là cửa ngõ cho sự luân chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Do đó, sự tắc nghẽn tạm thời cũng có thể có tác động đáng kể đến nhiều mặt.
“Bất kỳ sự cố nào làm chậm trễ hành trình của các con tàu chở hàng sẽ làm chậm tốc độ lưu thông hàng hóa tiêu dùng. Về nguyên tắc, các con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez không chỉ làm chậm toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng mà còn làm tăng tính kém hiệu quả trong hệ thống. Điều này sẽ làm gián đoạn lịch trình sản xuất của các nhà máy”, ông lưu ý.
Mặc dù trong những năm qua, một số tuyến đường vận tải biển đã được mở rộng để tăng công suất nhưng sự gián đoạn từ việc đóng cửa kênh đào có thể kéo dài trong nhiều tuần và tình trạng tắc nghẽn, thiếu thiết bị toàn cầu có thể ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia cho biết, hầu như không có lựa chọn thay thế nào ngoài Kênh đào Suez để vận chuyển hàng hóa qua châu Âu và châu Á, ngoại trừ việc các con tàu phải đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng thời gian vận chuyển thêm hai tuần và thêm chi phí cho các chuyến hàng.
Guy Platten, Tổng Thư ký một hiệp hội vận tải biển quốc tế ở Anh nhận định, sự cố của tàu Ever Given làm tổn thương các thị trường toàn cầu đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.
“Điểm mấu chốt của sự cố là những con tàu vận chuyển lớn sẽ tạo ra những vấn đề lớn. Do đó, các doanh nghiệp đa quốc gia cần được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc chuẩn bị trước kịch bản xử lý khủng hoảng trong những thời điểm không chắc chắn này, cho dù họ có dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay không”, ông nhận định.
Các chuyên gia dự đoán, sự tắc nghẽn kênh đào Suez sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xem xét các lựa chọn thay thế như lựa chọn các nhà sản xuất trong nước để giảm tải chi phí vận chuyển và những rủi ro tương tự trong thời gian tới. Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, điều quan trọng là phải có càng nhiều kịch bản đối phó càng tốt để hành động kịp thời với các tình huống khẩn cấp.
Có thể bạn quan tâm