Nga "phá vỡ" thỏa thuận ngũ cốc, giá lúa mì sẽ tăng vọt

CẨM ANH 31/10/2022 04:00

Nga đã chính thức đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc - thành quả ngoại giao hiếm hoi với Ukraine. Điều này có thể đẩy khủng hoảng lương thực trầm trọng hơn.

>>Thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine: Giá lương thực khó "hạ nhiệt" ngay

Kho trữ lúa mì của một nông dân ở làng Khreshchate, vùng Chernihiv, phía bắc Ukraine. Ảnh: Reuters.

Kho lúa mì của một nông dân ở làng Khreshchate, vùng Chernihiv, phía Bắc Ukraine. Ảnh: Reuters.

Theo tuyên bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, nước này sẽ ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine nhằm trả đũa cho "hành động khủng bố" của Kiev đối với các tàu chiến Nga. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các lực lượng vũ trang Ukraine với sự giúp đỡ của các chuyên gia Anh đã tiến hành “các cuộc không kích lớn trên không và trên biển bằng các phương tiện bay không người lái nhằm vào các tàu và cơ sở hạ tầng của Hạm đội Biển Đen Nga tại căn cứ hải quân ở Sevastopol trên bán đảo Crimea".

Sau đó, Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ đề xuất thảo luận về vụ tấn công ở Sevastopol tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga tuyên bố những tàu bị tấn công thuộc Hạm đội biển Đen, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho hành lang xuất khẩu ngũ cốc theo thỏa thuận với Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Nga đang coi cuộc tấn công ở Sevastopol như một "cái cớ" để phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc. “Chúng tôi đã cảnh báo Nga sẽ có những hành động ngừng thỏa thuận ngũ cốc. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia yêu cầu Nga tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận ngũ cốc để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu", ông Kuleba nói. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) đối với hành động nói trên của Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh chỉ trích Nga đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi chiến sự Nga- Ukraine.

Liên Hợp Quốc cho biết họ đang liên hệ với các nhà chức trách Nga về vấn đề này. Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho rằng, điều quan trọng là tất cả các bên phải tránh bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Trước khi Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, thỏa thuận này đã giúp xuất khẩu 9 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine, góp phần làm giảm giá lương thực toàn cầu. Trong số 40 quốc gia nhập khẩu thực phẩm của Ukraine theo thỏa thuận này, Tây Ban Nha là nước nhập khẩu phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine với tổng trị giá 1,8 triệu tấn.

>>Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine

con tàu chở hàng tổng hợp gắn cờ Comorian

Con tàu chở ngũ cốc neo đậu tại cảng biển ở cảng Odesa, Ukraine sau khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc được tái hoạt động vào tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc đánh dấu một bước phát triển mới trong cuộc chiến tại Ukraine. Đồng thời, hành động này sẽ làm đầy thêm các kho chứa ngũ cốc đang tồn đọng ở Ukraine. Các chuyên gia phân tích ngành nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine ước tính thế giới có 10 tuần để tìm ra giải pháp, trước khi vụ thu hoạch mùa xuân bắt đầu và cần thêm diện tích trong các kho chứa.

Việc Nga phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với những nước phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Trong kịch bản xấu nhất là Nga và Ukraine không quay lại thỏa thuận, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với không chỉ 1 mà là 2 năm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine, khiến khủng hoảng lương thực trầm trọng hơn, đẩy lạm phát tăng cao. 

Theo Telegraph, các chính phủ cần có những biện pháp nhanh chóng để trấn an công chúng rằng nguồn cung cấp lương thực của các nước vẫn sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, ông David Laborde, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết giá lúa mì có thể tăng ít nhất 10% trong những ngày tới.

Một số ý kiến cũng cho rằng, hành động rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Nga sẽ làm gia tăng áp lực lên Mỹ và phương Tây, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang nổ ra tại Pháp và cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đang tới gần. "Lạm phát sẽ tiếp tục tăng nhanh chóng tại các nước EU và Mỹ, nếu giá lương thực tăng trở lại. Đó là chưa kể giá dầu, khí cũng sẽ tăng trong mùa đông năm nay", ông David Ljunggren, chuyên gia phân tích độc lập tại Mỹ đánh giá. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine

    Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine

    04:30, 08/09/2022

  • Thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine: Giá lương thực khó

    Thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine: Giá lương thực khó "hạ nhiệt" ngay

    04:00, 24/08/2022

  • Căng thẳng Nga- Ukraine

    Căng thẳng Nga- Ukraine "leo thang" sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết

    04:00, 24/07/2022

CẨM ANH