Chiến sự Nga - Ukraine: Bên nào sẽ xoay chuyển "thế cờ"?
Chiến sự Nga - Ukraine được dự báo sẽ ngày một trở nên khốc liệt hơn trong những ngày tới đây, nhất là khi Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ các loại vũ khí tối tân hơn cho Ukraine.
>>Bi quan về chiến sự Nga- Ukraine trong lòng nước Nga
Hiện nay, điều kiện thời tiết xấu đi khiến hoạt động điều chuyển lực lượng trở nên khó khăn hơn, cản trở đà tiến công của quân đội Ukraine sau khi tái kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở tỉnh Kharkov và Kheron.
Trong khi đó, chiến sự xung quanh Bakhmut, thành phố được đánh giá mang tính chiến lược thuộc tỉnh Donetsk ở miền Đông Ukraine, cũng bế tắc khi lực lượng Nga và Ukraine không tạo được chuyển biến đáng kể nào sau nhiều tháng giao tranh.
Trước mắt, các lực lượng Nga đã bắt đầu đạt được một số bước tiến trong những tuần gần đây sau nhiều tháng liên tục tấn công vào tiền tuyến của Ukraine ở Bakhmut. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, một số nguồn tin của Nga tuyên bố rằng họ đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine ở Bakhmut, trong khi đó các hình ảnh vệ tinh chỉ cho thấy Moscow chỉ đạt được những bước tiến nhỏ vào thành phố.
Mới đây, quân đội Nga thông báo kiểm soát hai làng Belogorovka và Pershe Travnya ở ngoại ô Bakhmut sau nhiều ngày giao tranh quyết liệt. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã giải phóng Andreevka, một ngôi làng cách Ozaryanovka 5km về phía Bắc.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Giao tranh khốc liệt tại Bakhmut
Nhiều chuyên gia dự báo, Nga sẽ dốc toàn lực trong trận chiến giành Bakhmut, đồng thời tiếp tục thực hiện chiến lược "hủy diệt hạ tầng" nhằm vào những cơ sở trọng yếu của Ukraine. Quân đội Ukraine cũng sẽ cố gắng duy trì áp lực phản công lên lực lượng Nga trong mùa đông để ngăn họ củng cố phòng tuyến.
Theo các chuyên gia nhận định, việc Nga sử dụng mùa đông như một vũ khí đang buộc Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây phải thực hiện các đợt cung cấp vũ khí và viện trợ mới để duy trì cuộc kháng chiến của Ukraine.
Cường độ tấn công có chủ ý của Moscow cũng làm dấy lên những câu hỏi về việc khi nào các bên thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để chấm dứt giao tranh. Áp lực này cũng đang có chiều hướng gia tăng khi ngày càng có nhiều lo ngại về việc chiến sự Nga- Ukraine sẽ lan sang lãnh thổ NATO.
Tuy nhiên, ông Michael Horowitz, nhà phân tích địa chính trị và an ninh, người đứng đầu bộ phận tình báo công ty tư vấn Le Beck chỉ ra, Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh quyết tâm giúp Ukraine giành thêm nhiều lợi thế trên chiến trường. Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc mở rộng chương trình huấn luyện của quân đội Mỹ cho Ukraine, trong đó bao gồm việc huấn luyện cho 2.500 binh lính Ukraine mỗi tháng tại một căn cứ của Mỹ ở Đức.
Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ đánh dấu sự gia tăng đáng kể không chỉ trong số lượng binh lính Ukraine được Mỹ huấn luyện mà còn cả hình thức huấn luyện. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Mỹ chỉ huấn luyện cho một vài nghìn binh lính Ukraine, chủ yếu là các nhóm nhỏ với một số hệ thống vũ khí nhất định.
Theo CNN, Lục quân Mỹ đã trao hợp đồng 1,2 tỷ USD cho tập đoàn Raytheon để chế tạo 6 hệ thống phòng không NASAMS cung cấp cho Ukraine.
Với những hỗ trợ, viện trợ tích cực của Mỹ và phương Tây, nhất là khi Ukraine được chuyển giao hệ thống phòng không NASAMS, thì Ukraine sẽ có nhiều lợi thế hơn. Do đó, việc Nga dùng tên lửa hành trình sẽ gặp khó khăn. Đây là cơ hội cho Ukraine giành lại các phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng.
Hiện nay, giới quan sát cho rằng, rất khó thể cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuelle Macron tại Washington sẽ đem lại những thay đổi trong hành động của phương Tây với cuộc chiến tại Ukraine khi nhà lãnh đạo Pháp lựa chọn biện pháp ôn hòa hơn.
Mặc dù Paris là đồng minh chặt chẽ với Washington, nhưng từ lâu họ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập đôi khi có thể khiến các quan chức Mỹ không hài lòng. Trước khi Nga tiến hành chiến sự tại Ukraine và ngay cả trong chiến tranh, ông Macron vẫn giữ liên lạc với Tổng thống Putin.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Tổng thống Pháp cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với ông Putin và cảnh báo xung đột càng kéo dài sẽ càng đe dọa tới nền hòa bình châu Âu và thế giới. Nhưng ông cũng tỏ ra cứng rắn hơn với Nga khi cho rằng, "các cuộc đàm phán sẽ chỉ thành công nếu chủ quyền của Ukraine được tôn trọng, lãnh thổ được giải phóng và an ninh được bảo vệ”.
Thực tế cho thấy, đang có rất ít triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên. Điều đó có nghĩa là cuộc giao tranh có thể diễn ra khốc liệt hơn, viện trợ của Hoa Kỳ và đồng minh sẽ ngày càng nhiều hơn, ngay cả khi làn sóng phản đối đang dần nhen nhóm.
Có thể bạn quan tâm
Bi quan về chiến sự Nga- Ukraine trong lòng nước Nga
04:30, 01/12/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Giao tranh khốc liệt tại Bakhmut
15:36, 29/11/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Người tị nạn Ukraine ồ ạt sang các nước Châu Âu
04:00, 29/11/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine chịu "cú sốc" mùa đông
15:07, 28/11/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Hoài nghi vai trò của Mỹ
04:30, 28/11/2022