Trung Quốc và sách lược ngoại giao dầu mỏ

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 12/12/2022 04:30

Trung Quốc đạt được nhiều thành công trong việc nâng tầm quan hệ với những quốc gia Trung Đông dồi dào dầu mỏ và khí đốt.

Ông Tập Cận Bình và Thái tử Saudi Arabia

Ông Tập Cận Bình và Thái tử Saudi Arabia

>>Vì sao Trung Quốc bắt đầu nới lỏng zero- COVID?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm cấp cao đến Saudi Arbia từ ngày 7 -10/12. Các cuộc đàm phán đã dẫn đến việc ký kết “thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện” và 12 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư trực tiếp và phát triển kinh tế.

Tại Ryadh, Trung Quốc và Saudi Arabia khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các lợi ích cốt lõi của nhau, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục cam kết hợp tác chung để đảm bảo “bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran” và thúc giục sự hợp tác của Tehran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.

Bắc Kinh từng bước nâng cấp quan hệ với các quốc gia Trung Đông - trong bối cảnh khối Ả rập và Mỹ xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Iran, Qatar, Saudi Arabia lần lượt chuyển hướng về phương Đông.

Mối quan hệ dầu mỏ giữa Washington và Ryadh không còn nồng ấm như trước đây. Tổng thống Biden đã nhiều lần thúc giục OPEC+ giải phóng thêm nguồn cung dầu thô ra thị trường để giảm bớt thiệt hại cho những người tiêu dùng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận năng lượng sau khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 11, được giữ nguyên tại cuộc họp ngày 4/12, đã dẫn đến một cuộc khẩu chiến giữa các quan chức Mỹ và Saudi Arabia.

Không phải Mỹ hay châu Âu, mà tiến trình nới lỏng “zero- COVID” và phục hồi kinh tế Trung Quốc đang được quan tâm sâu sắc, bởi nó giúp định hình triển vọng nhu cầu trên thị trường dầu thô.

>> Phương Tây siết "gọng kìm" dầu Nga, ai hưởng lợi?

Trung Quốc là nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu thô nhất hành tinh; còn Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu mặt hàng này với khối lượng lớn nhất toàn cầu và là Chủ tịch của liên minh các nhà sản xuất OPEC+. Cả ông Tập Cận Bình và Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud đã bàn về vai trò của hai quốc gia này trong việc ổn định thị trường dầu mỏ.

Trung Quốc đang nâng cấp quan hệ với các nước Trung Đông

Trung Quốc đang nâng cấp quan hệ với các nước Trung Đông

Phương Tây không thể lôi kéo OPEC tham gia nhiều hơn với các vấn đề xung đột địa chính trị ở Đông Âu, thậm chí các nước xuất khẩu dầu đã chán ngán với cách người Mỹ dùng “bàn tay sắt bọc nhung” kiểm soát thị trường dầu mỏ.

Rõ ràng, Trung Đông đã tận thấy hậu quả dưới chính ngoại giao can thiệp của Mỹ, giờ đây, họ muốn toàn quyền quyết định ngành kinh tế xương sống của mình, trong 3 việc quan trọng nhất, đó là: giá cả, sản lượng và phương tiện thanh toán.

Trái ngược với Mỹ, phía Trung Quốc đang tỏ ra là nhà tiêu thụ dầu mỏ thân thiện, không phản ứng khi OPEC+ cắt giảm sản lượng, cũng không tỏ rõ lập trường nghiêng hẳn về bên nào. Bắc Kinh đã gieo niềm tin cho Trung Đông.

Khi những quốc gia xuất khẩu dầu ngày càng bất mãn với nghịch lý chỉ được giao dịch bằng đô la Mỹ thì Trung Quốc đã chủ trì cùng Nga, Iran, một số nước Trung Á xây dựng liên minh tài chính, hoán đổi tiền tệ.

Có nghĩa rằng, giao dịch thương mại, trong đó có dầu mỏ hoàn toàn có thể sử dụng đồng nội tệ của mỗi thành viên tham gia liên minh. Như vậy, họ không cần phụ thuộc Mỹ để được “cho phép” sử dụng “đồng bạc xanh”, qua đó tránh bớt rủi ro.

Trong thực tế, Washington sử dụng hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT để đe dọa các quốc gia bất tuân lệnh. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc tội nhiều quốc gia “thao túng tiền tệ”, ví như xuất khẩu sang Mỹ để thu gom USD mà không mua hàng của Mỹ!

Trung Quốc đang xuất hiện ở Trung Đông với hình ảnh một đối tác năng lượng tin cậy, hào phóng, sẵn sàng chi hàng trăm tỷ USD đầu tư ở Iran, Qatar, và tiếp theo là Saudi Arabia mà không hề để lộ tham vọng quyền lực.

Hai thập kỷ qua, Bắc Kinh âm thầm tiếp cận những khu vực Mỹ bỏ quên, như châu Phi, Mỹ Latin. Giờ đây, ngay cả những nơi mà người Mỹ ruồng rẫy thì Trung Quốc lập tức có mặt thế chỗ.

Có thể bạn quan tâm

  • Nga bất ngờ đi

    Nga bất ngờ đi "nước cờ" mới tại Trung Đông

    02:12, 21/07/2022

  • Ông Biden toan tính gì khi sắp công du tới Trung Đông?

    Ông Biden toan tính gì khi sắp công du tới Trung Đông?

    04:30, 12/07/2022

  • Tổng thống Biden đạt được kết quả gì sau chuyến thăm Trung Đông?

    Tổng thống Biden đạt được kết quả gì sau chuyến thăm Trung Đông?

    04:30, 18/07/2022

  • Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    04:30, 05/12/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ