Thượng đỉnh Mỹ- Châu Phi: Cơ hội cho Mỹ củng cố vị thế ở Châu Phi

CẨM ANH 14/12/2022 04:00

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Châu Phi được kỳ vọng mang lại cơ hội để Mỹ xây dựng và củng cố các mối quan hệ đối tác với châu Phi.

>>Xoay trục sang châu Phi, Mỹ đang toan tính gì?

Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bên ngoài Nhà Trắng sau cuộc gặp hồi tháng 9/2022. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng vào tháng 9/2022. Ảnh: AP

49 nhà lãnh đạo Châu Phi đã tới Washington tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai kéo dài ba ngày. Ông Serge Mombouli, Trưởng đoàn Ngoại giao châu Phi tại Mỹ cho biết: “Chúng tôi có một số kỳ vọng đối với hội nghị lần này. Thứ nhất, mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn và ở mức độ cao hơn giữa Mỹ và châu Phi. Thứ hai, chúng tôi chờ đợi sự tham gia nhiều hơn của Mỹ trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi”.

Được biết, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Châu Phi lần thứ hai này phản ánh chiến lược của Mỹ đối với tiểu vùng Sahara châu Phi và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi nhằm biến châu lục này thành một khu vực phát triển vững mạnh trong tương lai.

Các nội dung được thảo luận tại sự kiện này bao gồm các cuộc thảo luận xung quanh các biện pháp thúc đẩy an ninh lương thực và đảm bảo tính bền vững của hệ thống lương thực tại khu vực này. Đồng thời, Tổng thống Mỹ sẽ tuyên bố ủng hộ Liên minh châu Phi gia nhập G20 với tư cách là thành viên thường trực.

Mỹ cũng ủng hộ một thành viên của châu Phi vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Washington cũng cam kết tài trợ và đầu tư 55 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới để giải quyết các thách thức cốt lõi. Nhân dịp này, hơn 300 doanh nghiệp Mỹ và châu Phi sẽ gặp gỡ để thảo luận về các khoản hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng.

Giới quan sát nhận định, Mỹ đang tìm cách tận dụng hội nghị lần này để gia tăng sự ảnh hưởng trong khu vực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Thách thức của Tổng thống Biden tại Hội nghị lần này sẽ là thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Phi rằng chính quyền của ông sẵn sàng thực hiện cam kết kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ tại khu vực.

Trong nhiều năm qua, chính sách của Mỹ đối với châu Phi được đánh giá là ít tham vọng hơn so với các khu vực khác. Ông David Shinn, cựu Đại sứ Mỹ tại Ethiopia với nhiều kinh nghiệm ngoại giao ở châu Phi, cho biết: “Châu Phi luôn nằm ở cuối danh sách ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, kể cả dưới chính quyền Biden”.

>>Mỹ tăng cường đối trọng với Nga và Trung Quốc ở Châu Phi

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi. (Ảnh: AFP/

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi lần thứ hai.  Ảnh: AFP

Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc bao trùm các quốc gia trong khu vực bất chấp sự bất ổn chính trị của các nước châu Phi. Cường quốc châu Á đã trở thành đối tác thương mại số 1 của tiểu vùng châu Phi cận Sahara thông qua việc xuất khẩu mọi thứ từ hàng dệt may đến điện thoại thông minh, và nhập khẩu khối lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa từ khu vực này.

Bắc Kinh cũng đã đầu tư để xây dựng hạ tầng vận tải và bến cảng trên khắp châu Phi trong hai thập kỷ qua, đồng thời thường xuyên tăng viện trợ nước ngoài cho lục địa này.

Sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ở châu Phi nhằm giành ảnh hưởng ngoại giao và tiếp cận thị trường và nguồn lực. Nhưng không giống như ở châu Á hay Trung Đông, Mỹ gặp bất lợi đáng kể ở châu Phi vì Washington đã làm ít hơn để theo kịp những nỗ lực của Bắc Kinh ở châu Phi so với những khu vực khác.

Mặc dù vậy, ông Zeenat Adam, một cựu quan chức thuộc Bộ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế của Nam Phi, cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi không muốn đất nước của họ trở thành “sân chơi cho các cường quốc thế giới chống lại nhau". Có lẽ vì mục đích đó, các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh rằng sự kiện này không liên quan gì đến Bắc Kinh.

"Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Châu Phi lần này sẽ nhấn mạnh vào thông điệp của Mỹ về việc cung cấp một mô hình kinh tế tốt hơn, bền vững hơn, đối xử công bằng hơn với các đối tác”, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, Tiểu ban Châu Phi của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết.

Tương tự, ông Tibor Nagy, cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, cho biết: “Nếu Hội nghị chỉ mang tính biểu tượng, thì đó sẽ là một bước lùi vì không ai có thể làm điều đó tốt hơn Trung Quốc". Tuy nhiên, Politico trích dẫn thông tin từ một quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết, sẽ có những sáng kiến quan trọng và hợp tác cụ thể tại Hội nghị lần này.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Phi thu hút khoản đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022

    Châu Phi thu hút khoản đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022

    05:23, 08/10/2022

  • Mỹ tăng cường đối trọng với Nga và Trung Quốc ở Châu Phi

    Mỹ tăng cường đối trọng với Nga và Trung Quốc ở Châu Phi

    04:00, 10/08/2022

  • Xoay trục sang châu Phi, Mỹ đang toan tính gì?

    Xoay trục sang châu Phi, Mỹ đang toan tính gì?

    05:30, 04/03/2021

  • Bị tẩy chay ở Mỹ, Facebook đang âm thầm vươn ra châu Phi

    Bị tẩy chay ở Mỹ, Facebook đang âm thầm vươn ra châu Phi

    11:23, 28/07/2020

CẨM ANH