Chiến sự Nga- Ukraine: Vị thế toàn cầu của Nga suy giảm mạnh

CẨM ANH 27/12/2022 00:19

Chiến sự Nga- Ukraine đang ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài. Điều này đã và đang làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Nga trên toàn cầu.

>>Chiến sự Nga- Ukraine ngăn cản G20 tìm tiếng nói chung

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia tháng 11/2022

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia tháng 11/2022

Mặc dù có những quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như biện pháp trừng phạt, nhưng tuyên bố chung của nhóm G20 tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Bali, Indonesia vừa qua đã cho thấy, phần lớn các thành viên lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine "bằng từ ngữ mạnh mẽ nhất".

Theo giới quan sát, đây là một động thái khá bất ngờ của các cường quốc G20. Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine diễn ra vào ngày 24/2, G20 đã tổ chức một số cuộc họp cấp bộ trưởng nhưng không đưa ra được quyết định có ý nghĩa nào về vấn đề này do sự rạn nứt sâu sắc giữa phương Tây và Nga.

G20 là một nhóm các quốc gia có các chương trình nghị sự chính trị rất khác nhau, cùng nhau tạo nên hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Một nửa số thành viên là các cường quốc lớn của phương Tây như Mỹ, các quốc gia châu Âu hoặc Nhật Bản, nhưng nhóm này cũng bao gồm Nga và Trung Quốc.

Phần còn lại chủ yếu là các "cường quốc trung lập" ở châu Á như Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi không liên kết với phương Tây hay Trung Quốc, Nga. Những cường quốc này bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Brazil và Mexico. 

Trong tuyên bố chung của G20, mặc dù không nêu tên Nga, nhưng các quốc gia G20 nêu rõ: "Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine", đồng thời nói thêm rằng "việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được".

Không chỉ tại G20, một số nước Trung Á như Kazakhstan hay Tajikistan đang tăng cường tìm kiếm đối tác mới cùng nhiều động thái bất ngờ cho thấy các quốc gia trong khu vực này dường như đang giảm dần sự phụ thuộc vào Nga. 

Tại hội nghị ở Astana hồi tháng 10, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, đồng minh thân cận của Tổng thống Putin đã lên tiếng cảnh báo lãnh đạo Nga không nên phớt lờ các nước nhỏ. Tuyên bố Tajikistan luôn tôn trọng Nga, ông nói "chúng tôi cũng muốn được tôn trọng".

Điều này báo hiệu rằng tình hình quốc tế xung quanh Nga đang bắt đầu thay đổi đáng kể sau 10 tháng kể từ khi bắt đầu chiến tranh, với việc ngày càng có nhiều cường quốc trung lập cố gắng tránh xa Moscow.

>>Thách thức hợp tác quốc tế tại G20

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Paris hôm 29/11. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Paris hôm 29/11. Ảnh: AFP.

Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á trao đổi với Nikkei Asia Review, sở dĩ phần lớn các quốc gia G20 lên tiếng gây sức ép với Nga do các hành động tấn công ngày càng tăng của quân đội Nga ở Ukraine. Các cuộc tấn công của Nga nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã từng công kích Tổng thống Nga về cuộc chiến của ông ở Ukraine trong một cuộc họp vào tháng 9/2022. Ông Modi nói: "Bây giờ không phải là lúc để chiến tranh". Điều này cũng được nhắc lại trong tuyên bố chung của G20.

Ông Hiroyuki Akita, bình luận viên của Nikkei chỉ ra, một yếu tố khác thúc đẩy sự thay đổi lập trường của nhiều quốc gia đối với chiến sự Nga- Ukraine là cuộc xung đột này đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu. "Sự bất mãn sâu sắc với Nga đang lan rộng giữa các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng lương thực và năng lượng", ông Akita nói.

Tình hình này đã tạo cơ hội lớn cho phương Tây mở rộng hợp tác với các nước trung lập trước những thách thức toàn cầu như tình trạng thiếu lương thực và năng lượng cũng như giá cả leo thang. Sự hợp tác như vậy sẽ thu hút các nước đứng về phía phương Tây và nới rộng khoảng cách với Moscow.

Đáng chú ý, Nhật Bản, với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2023, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác chiến lược như vậy. Theo các chuyên gia nhận định, Tokyo có thể đẩy mạnh hợp tác với New Delhi, chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20 vào năm 2023, để dẫn dắt các nỗ lực quốc tế nhằm đưa ra những phản ứng hiệu quả đối với những thách thức toàn cầu do cuộc chiến tại Ukraine gây ra.

Về mặt quân sự, điều quan trọng đối với Mỹ và châu Âu là tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và gây thêm áp lực lên các lực lượng Nga. Liệu thế giới có thể lấy lại được sự ổn định hay không sẽ phụ thuộc vào việc phương Tây và các cường quốc trung lập có thể xóa bỏ sự khác biệt của họ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất đồng Mỹ- Trung

    Bất đồng Mỹ- Trung "phủ bóng" lên Thượng đỉnh G20

    04:30, 15/11/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine ngăn cản G20 tìm tiếng nói chung

    Chiến sự Nga- Ukraine ngăn cản G20 tìm tiếng nói chung

    13:39, 25/07/2022

  • G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga

    G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga

    04:30, 04/09/2022

  • Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga

    Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga

    04:30, 28/06/2022

CẨM ANH