Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Theo đó, một vài điểm nóng đã được thảo luận.
>>Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ Alaska
Chiều ngày 14/11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc trao đổi trực tiếp - một trong những hoạt động được truyền thông săn đón nhiều nhất.
Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2017, khi ông Biden là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama. Lần gần nhất, ông Tập gặp nhà lãnh đạo Mỹ là ông Donald Trump vào năm 2019.
Quan hệ Trung - Mỹ bắt đầu chùng xuống từ nửa sau nhiệm kỳ ông Trump. Khi những bất đồng chồng chất giữa Mỹ và Trung Quốc chưa tìm thấy tiếng nói chung thì chiến sự Nga - Ukraine xảy ra cùng với vấn đề Đài Loan khiến quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc lún sâu vào trạng thái “đóng băng”.
Trong cuộc gặp nói trên, ông Tập và ông Biden đã trao đổi về vấn đề Đài Loan. Dĩ nhiên, Bắc Kinh muốn được “toàn quyền” quyết định vấn đề này, bởi theo họ đó là công việc “nội bộ” của Trung Quốc.
Câu chuyện Đài Loan thật khó để tạo ra sự thấu hiểu trong một cuộc gặp bên lề mà không có bất cứ kênh đối thoại tìm hiểu cấp thấp nào được duy trì. Washington vẫn cho rằng mình có lợi ích chiến lược khi duy trì quan điểm ngoại giao can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Trước cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ dành khá nhiều thời gian ở PhnomPenh cùng các nhà lãnh đạo ASEAN bàn thảo tương lai, Mỹ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Vấn đề của ASEAN là gì? Là chủ quyền biển đảo, an ninh hàng hải, xây dựng hạ tầng cơ sở, ứng phó các nguy cơ phi truyền thống và thấp thoáng đâu đó là tìm cách rũ bỏ bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Washington nhiều lần khẳng định giúp một số nước trong khu vực “có thêm chọn lựa hợp tác” dựa trên nền tảng mới.
Như vậy, mối quan hệ Mỹ - ASEAN cũng dần dà nuôi dưỡng mâu thuẫn với Bắc Kinh. Nói cách khác, người Mỹ muốn quy tụ thêm đồng minh cho mục đích ngăn chặn Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng hàng đầu với ông Biden nói riêng và chính sách Mỹ nói chung không phải là hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, mà là tìm mọi cách để Trung Quốc không bao giờ sánh kịp vị thế và vai trò toàn cầu của Mỹ.
Đối lại, Trung Quốc cũng chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến lợi ích sát sườn của họ, ví như tiếp cận công nghệ bán dẫn; không ủng hộ rõ ràng - cũng không lên tiếng can ngăn Nga hành động quân sự ở Ukraine; không tham gia cam kết COP26, không mặn mà với COP27; “zero COVID” trong khi tất cả mở cửa,…
Mỹ và Trung Quốc muốn ở nhau rất nhiều, song không bên nào đủ chân thành và cầu thị để xếp lại bất đồng. Điều này dường như là hy vọng viển vông trong bối cảnh tồn tại quá nhiều tác động đa chiều gây áp lực lên quan hệ ngoại giao hai nước.
Thái độ của Mỹ và Trung Quốc về khủng hoảng Đông Âu, biến đổi khí hậu, vấn đề Đài Loan, khủng hoảng dầu mỏ sẽ bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh G20. Do vậy, cuộc gặp của 20 nhân vật quyền lực nhất hành tinh khó thống nhất quan điểm để đi đến tuyên bố chung.
Có thể bạn quan tâm