Dự kiến, sẽ có khoảng gần 1000 mặt hàng của Trung Quốc sẽ không còn phải chịu thuế từ quyết định trừng phạt hồi tháng 7/2018 của Washington.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới đây thông báo, Mỹ sẽ cân nhắc việc dỡ bỏ thuế quan với 34 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức hai bên tiếp tục đàm phán để tiến tới một thoả thuận thương mại. Quyết định nới lỏng này sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/12 tới đây.
Quyết định nới lỏng quy định áp thuế sẽ tạo điều kiện cho các công ty khi nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc, đồng thời cũng giảm bớt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi đang thảo luận chi tiết về thoả thuận thương mại.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 17/10/2019
06:10, 16/10/2019
05:20, 24/10/2019
05:00, 13/10/2019
Giới quan sát nhận định, với bước tiến xóa bỏ thuế quan, có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thành công trong việc ký kết thỏa thuận thương mại tạm thời tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Santiago, Chile trong thời gian tới.
Hiện nay các đặc phái viên thương mại từ Bắc Kinh và Washington vẫn đang hoàn thiện văn bản để hai nhà lãnh đạo ký kết. Trên thực tế, các đặc phái viên hai bên sẽ bước vào giai đoạn dịch thuật và xem xét các khía cạnh pháp lý sau khi hoàn thành các bước kỹ thuật. Mặc dù vậy, cả hai bên đều bày tỏ sự lạc quan rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể được hoàn thành kịp thời trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, các cuộc đàm phán kỹ thuật về một phần của thỏa thuận đã kết thúc nhưng các cuộc đàm phán khác vẫn đang được diễn ra. Trung Quốc vẫn hy vọng cả hai bên có thể tìm thấy một giải pháp thương mại dựa trên sự tôn trọng lợi ích lẫn nhau.
Có thể thấy, Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái thể hiện thiện chí thúc đẩy một thỏa thuận thương mại. Cụ thể, cùng với các quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế, cả Washington và Bắc Kinh cùng công bố gỡ bỏ lệnh hạn chế nhập khẩu nông sản của nhau. Hồi tháng 9, Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch loại trừ hàng nông sản của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế, trong đó bao gồm cả đậu tương.
Theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, các nhà đàm phán đã giải quyết đúng vào các vấn đề cốt lõi của hai bên và đã cơ bản đã hoàn thành các cuộc thảo luận về các điều khoản trong văn bản thỏa thuận. Nếu chính thức được kí kết, thỏa thuận sẽ mang lại những ưu thế thương mại lớn cho hai bên. Cụ thể, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc nhập khẩu gia cầm của Mỹ và công nhận giấy chứng nhận y tế của Mỹ cho các sản phẩm thịt xuất khẩu.
Đồng thời, thỏa thuận tạm thời có thể có các điều khoản liên quan tới việc Trung Quốc sẽ đặt mua máy bay và các sản phẩm năng lượng do Mỹ sản xuất, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng.
Trong khi đó, dự kiến mức thuế 15% mới áp dụng cho 160 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm phổ biến như điện thoại và các sản phẩm tiêu dùng điện tử khác sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 12 năm nay cũng sẽ bị hoãn nếu thỏa thuận được ký kết.
Thỏa thuận tạm thời cũng dự kiến sẽ có một điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, một trong những yêu cầu chính của Mỹ. Trung Quốc và Mỹ cũng đồng ý tránh cho phép phá giá tiền tệ để đạt được lợi thế thương mại. Thậm chí, một thỏa thuận tiền tệ cũng có thể được ký kết để tạo điều kiện cho việc Mỹ loại bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Thỏa thuận tạm thời có thể bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp mới để đảm bảo cả hai bên tuân thủ các điều khoản đã đề ra. Hệ thống này sẽ giúp cả hai bên bình đẳng hơn thay vì cơ chế gây tranh cãi trước đây do Mỹ đề xuất.
Có thể chắc chắn rằng, thỏa thuận tạm thời sẽ không giải quyết các yêu cầu khác của Mỹ như việc thay đổi mô hình kinh tế Trung Quốc như cáo buộc các công ty nước ngoài bị đối xử bất công và trợ cấp chính phủ cho một số ngành công nghiệp trong nước.
Đồng thời, có khả năng, thỏa thuận này sẽ không có bất kỳ điều khoản nào liên quan đến nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen.