Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được một phần thỏa thuận tại vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 tại Washington là tín hiệu tích cực đối với cục diện thế giới.
Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ này vẫn chưa nói lên điều gì, vì hiện tại 2 quốc gia này còn nhiều bất đồng khó giải quyết, nhất là cáo buộc Trung Quốc ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho ngành công nghiệp Nhà nước, vấn đề Huawei…
Có gì trong thỏa thuận?
Không có nhiều nội dung thỏa thuận Mỹ- Trung được tiết lộ nhưng theo nhiều nguồn tin, hai bên nhất trí Trung Quốc mua 40- 50 tỷ USD nông sản của Mỹ, cũng như một số phương diện về bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiền tệ. Đổi lại, Mỹ sẽ ngừng tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15/10.
Quá ít ỏi minh chứng để cho rằng ai nhượng bộ ai, song đây đều là những vấn đề mà Mỹ luôn yêu cầu Trung Quốc “lưu ý”, trong đó sở hữu trí tuệ được xem là một trong hai nguyên nhân trực tiếp gây ra chiến tranh thương mại.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 30/08/2019
06:55, 29/08/2019
05:30, 27/08/2019
Lĩnh vực nông sản cũng là nội dung rất đáng chú ý vào lúc này, tuy không là đầu mối nảy sinh xung đột thương mại, nhưng đó là hậu quả mà Mỹ phải gánh chịu khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu mặt hàng này.
Trên thực tế, sau hơn 1 năm giảm mua nông sản Mỹ, thị trường Trung Quốc vẫn không thiếu hụt sản phẩm này. Trái lại, đây là cơ hội để nước này mở thêm mối bang giao với các nước xuất khẩu nông sản từ Đông Nam Á và phần nào đó là cơ hội để doanh nghiệp nội địa có cơ hội phát triển.
Ngược lại, Nhà trắng phải trích ra hàng chục tỷ USD trợ giá cho nông dân vì cơn khủng hoảng thừa nông sản, Mỹ đã mất vị trí xuất khẩu đậu tương số 1 vào tay các nước Nam Mỹ, trong khi đó để bán sang Canada, Mexico luôn kèm theo những điều khoản ràng buộc nhau.
Một trong những tổn thất gián tiếp là Mỹ phải thỏa thuận thương mại với Nhật Bản tăng cường mua nông sản Mỹ, đổi lại “lá bài” thuế mà Washington luôn nhăm nhe vào xe ôtô, hàng điện tử của Tokyo coi như bị phế bỏ hoàn toàn.
Đầy rẫy những toan tính
Dù chỉ là “giai đoạn 1” của một thỏa thuận toàn diện, nhưng đây chính là bước tiến lớn nhất mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được trên con đường đi tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại đã kéo dài 1,5 năm qua.
Như đã phân tích ở trên, với nông sản và sở hữu trí tuệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ít nhiều đã “nhất cữ lưỡng tiện”, vì một mặt vỗ về tầng lớp nông dân Mỹ khi mà cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ đang ngày gay gắt. Bởi trong cuộc bầu cử 2016, có tới 3/4 cử tri ở vành đai nông nghiệp tại các bang Nebraska, Iowa, Minnesota, Nam Dakota, Wisconsin… đã dành là phiếu bầu cho Trump.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin vừa cho biết Mỹ sẽ vẫn áp thuế bổ sung lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/12 tới, nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận thương mại.
Mặt khác, với thỏa thuận ban đầu về sở hữu trí tuệ mà Huawei, ZTE đang là “con tin” đắt giá, ông Trump đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch “Made in China 2025” và tham vọng làm chủ công nghệ phát triển mạng 5G của Trung Quốc tại Châu Á, Châu Âu, Châu Phi.
Sở dĩ thỏa thuận sơ bộ có liên quan mật thiết đến các dữ kiện trên là bởi, Bắc Kinh đồng ý “đình chiến” để chỉ đổi lấy cam kết ngưng tăng thuế. Ngoài lý do đó phải chăng ông Tập còn nước cờ “tương kế” nào khác?
Ai cũng biết, người Trung Hoa vốn là bậc thầy về nghệ thuật đàm phán, biết cương nhu đúng lúc. Nước này vừa kỷ niệm 70 năm lập quốc trong không khí không mấy “êm ái”: Kinh tế giảm tốc, thiếu thịt lợn trầm trọng, vấn đề Đài Loan, Hồng Kông ngày càng phức tạp… Do đó, Bắc Kinh cần có thời gian để thu xếp các vấn đề nội bộ trước khi nghĩ đến chuyện kinh bang tế thế.
Và một lý do bao trùm là, cả Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “ngấm đòn” chiến tranh thương mại. Dù có những toan tính chính trị ngắn hạn, nhưng về lâu dài chỉ có thiệt hại kinh tế mới đủ sức kéo hai cường quốc này ngồi vào bàn đàm phán để chính thức đặt dấu chấm hết cho chiến tranh thương mại.n