Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ luôn là tâm điểm của các mối quan hệ quốc tế.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông và thương mại… được cho là xấu đi trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nhân tố đến từ nền chính trị đối nội của cả hai nước này. Nhưng nhân tố quan trọng nhất đó là một sự thay đổi cấu trúc đáng kể: Trung Quốc đang trở nên gần ngang cơ với Mỹ về mặt kinh tế và quân sự.
Giữa những căng thẳng leo thang, một số động thái cho thấy Trung Quốc dường như cũng muốn tránh gia tăng căng thẳng với Mỹ và đồng minh. Khi thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc bất ngờ ngừng các bài viết công kích chỉ trích nhắm vào Mỹ, ít nhất là trong thời gian vài tuần qua.
Sự “tan băng” này xuất hiện sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 9. Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ – Trung trong vòng 7 tháng qua và đã nhận được những phản ứng tích cực của giới truyền thông cũng như mạng xã hội Trung Quốc.
Rồi, trong bài phát biểu qua video trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 21/9, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không xây thêm nhà máy điện than ở nước ngoài, nhằm góp phần chống biến đổi khí hậu.
Cho đến câu chuyện “ngoại giao con người” khi hai nước đã đàm phán thành công và trao trả người. Tối 25/9 giờ địa phương, bà Mạnh Vãn Châu đặt chân trở về Trung Quốc trong sự chào đón của Bắc Kinh. Cùng ngày bà được tự do, Michael Spavor và Michael Kovrig, hai công dân Canada bị bắt giam tại Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt hồi năm 2018, cũng được phóng thích và trở về Canada.
Sự kiện trên đã giải quyết được một trong những mâu thuẫn khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chạm mức đỉnh điểm trong hàng chục năm qua.
Hoặc mới đây, Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại quy mô lớn ban đầu được Mỹ đề ra để ứng phó Trung Quốc. Động thái này được cho là nhằm phát đi thông điệp tới Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không thể bị tẩy chay..v..v.
Những động thái trên bất kể thành công ở mức độ nào thì cũng được xem là thắng lợi của Bắc Kinh. Như giới quan sát quốc tế nhận định đó là một chiến lược ngoại giao thông minh của Trung Quốc, vì các động thái này đều nhận được thu hút phản ứng tích cực từ Mỹ. Ví như, việc ông Biden nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Mỹ “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” chẳng hạn.
Thậm chí, tân đại sứ Trung Quốc tại Washington ông Tần Cương, đã có bài phát biểu đáng chú ý vào ngày 31/8 ở Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung có trụ sở tại New York, rằng: “Trung, Mỹ không nên hiểu lầm, đánh giá sai, xung đột hoặc đối đầu. Một số người tin rằng Bắc Kinh đang muốn chống lại Washington nhằm thách thức và thay thế vị trí của Mỹ. Đây là một đánh giá sai lầm nghiêm trọng về chính sách chiến lược của Trung Quốc”.
Chính những diễn biến “tan băng” này khiến mọi người kỳ đặt ra một vấn đề được quan tâm và chờ đợi lâu nay là: Liệu sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden hay không?
Vấn đề ở chỗ, xưa nay mối quan hệ Mỹ - Trung đã minh chứng nó không dễ “thuận buồm xuôi gió” như vậy. Khi mà những bước đi của Trung Quốc đều được Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung cẩn trọng đề phòng.
Ông Scott McKnight - chuyên gia thuộc Đại học Toronto cảnh báo: “Đây là một Trung Quốc quyết đoán hơn, một Trung Quốc không ngại sử dụng nhiều công cụ khác nhau - kể cả công cụ tử tế hay không tử tế - để đạt được các mục tiêu chính sách của họ”.
Theo đó, động thái nói trên ít có khả năng giải quyết được những vấn đề sâu xa trong căng thẳng giữa hai nước, cũng như nỗi lo của Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong khi ai cũng biết, cái mâu thuẫn lớn nhất giữa Mỹ - Trung là về hình thái ý thức hệ. Đứng từ góc độ của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là thách thức về lợi ích và vị thế quốc tế đối với Mỹ, mà còn là sự đe dọa đối với ổn định chế độ cùng các giá trị do Mỹ tạo dựng. Còn từ góc độ của Trung Quốc, nước này cho rằng Mỹ chưa từng từ bỏ âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
Mặt khác, có thêm một trở ngại lớn khác cho mối quan hệ Mỹ - Trung là vào tháng 12 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ, sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của ông Biden. Nếu có sự tham gia của Đài Loan điều đó sẽ đánh dấu một đòn giáng nghiêm trọng nhằm vào Trung Quốc.
Thế mới nói, tuy Mỹ thể hiện thái độ tích cực với Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn là Mỹ, các đời Tổng thống Mỹ vẫn nhất nhất một quan điểm “nước Mỹ trên hết”. Và Mỹ vẫn tìm được những nước cùng lý tưởng để liên minh cùng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong khi, Trung Quốc vẫn hùng mạnh nhưng ngày càng trở nên cô độc khi cả thế giới thành lập liên minh chống lại. Để rồi, cả đời người xưng bá nhưng cuối cùng lại chẳng có ai cùng vào sinh ra tử cùng mình.
Thành thử, mối quan hệ sóng gió giữa Mỹ - Trung là câu chuyện dài tập, khó đoán định được hồi kết.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 24/07/2021
06:00, 01/07/2021
05:30, 10/06/2021
04:00, 01/06/2021
05:15, 28/05/2021
11:09, 09/05/2021
05:00, 12/04/2021
06:00, 24/03/2021
06:29, 22/03/2021
09:00, 19/03/2021