Indonesia đang tìm cách giải quyết căng thẳng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 khi chiến sự Nga- Ukraine bao trùm bầu không khí của khối này.
>>G20 bắt tay thiết lập mức thuế mới lên các doanh nghiệp đa quốc gia
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 ở Indonesia đã bế mạc mà không có tuyên bố chung, do các thành viên đưa ra lập trường khác nhau về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này đã gửi tín hiệu tiêu cực đến Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 11 tới.
Các chuyên gia cho rằng, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 đã không kết thúc bằng một thông cáo chung là điều có thể dự đoán được. Bởi các quốc gia thành viên của nhóm G20 đang có nhiều quan điểm bất đồng, nhất là trong việc giải quyết chiến sự Nga- Ukraine.
Ông Junichi Takase, Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Nagoya đánh giá: "G20 ban đầu là một cuộc họp để thảo luận về kinh tế, không phải chính trị. Tuy nhiên, khi biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga được áp dụng, tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, thì hội nghị sẽ rất khó tìm kiếm được tiếng nói chung".
Mặc dù vậy, việc Indonesia, quốc gia giữ chức Chủ tịch G20, sẽ công bố bản tóm tắt nội dung các cuộc thảo luận về các vấn đề cấp bách mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt hiện nay được coi là một nỗ lực nhằm biến hợp tác kinh tế trở thành trọng tâm.
>>Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26
Hiện nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn đang cố gắng thúc đẩy việc thiết lập quan hệ hợp tác và truyền bá tinh thần đoàn kết và hòa bình. Việc ông Joko Widodo tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra chỉ một tháng sau khi ông tới thăm Nga và Ukraine trong sứ mệnh xây dựng hòa bình cho thấy sự chủ động của nước Chủ tịch G20 trong việc xây dựng mối quan hệ với các thành viên G20 ngoài những cuộc họp chính thức.
Theo ông Radityo Dharmaputra, Giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Airlangga ở Surabaya nhận định, sẽ rất khó để Indonesia kêu gọi một sự đồng thuận cho các vấn đề kinh tế chung toàn cầu khi sự chia rẽ trong nội bộ G20 đang ngày một sâu sắc. “Trên thực tế, Indonesia đang gặp một số thách thức. Ngay từ đầu, Chính phủ Indonesia đã giữ quan điểm trung lập trong chiến sự Nga- Ukraine. Điều này khiến Indonesia không thể thực sự tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến các bên", ông cho biết.
Tuy nhiên, Indonesia đã thành công trong việc nêu ra vấn đề các nước trên thế giới cần quan tâm như cuộc khủng hoảng lương thực và điều đó đã được nhiều nước đồng tình.
Ông Al Jazeera Deni Friawan, nhà nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, các quốc gia G20 cần nhận ra rằng khó có sự đồng thuận cao nào tại các diễn đàn như G20, và việc đổ lỗi cho Nga về cuộc chiến Ukraine sẽ không tạo ra sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách hiện nay.
“Giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cần có sự phối hợp giữa các ngân hàng trung ương các nước trong việc đưa ra các khuyến nghị chính sách để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại", chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26
04:47, 02/11/2021
G20 bắt tay thiết lập mức thuế mới lên các doanh nghiệp đa quốc gia
15:51, 01/11/2021
Lãnh đạo G20 cam kết phân phối công bằng vắcxin ngừa COVID-19
06:55, 23/11/2020
Ý nghĩa gì trong động thái "hoãn nợ" của G20?
06:00, 17/04/2020