Nới lỏng zero-Covid, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 31/12/2022 02:30

Dù Trung Quốc đã nới lỏng dần chính sách zero-Covid, nhưng chưa có gì chắc chắn quốc gia này sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế do đại dịch tăng cao kỷ lục sau khi Trung Quốc có quyết định nói trên.

Theo khảo sát mới đây của World Economics, niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2013.

>> Vì sao Trung Quốc bắt đầu nới lỏng zero- COVID?

“Bóng ma” COVID-19

Cuộc khảo sát của World Economic được thực hiện đối với giám đốc bán hàng tại 2.300 doanh nghiệp tại Trung Quốc cho thấy, chỉ số niềm tin vào thị trường giảm từ 51,8 điểm hồi tháng 11 xuống còn 48,1 điểm trong tháng 12/2022. Đây là mức thấp nhất kể từ khi thang đo này được áp dụng.

Kết quả của World Economic cho thấy, môi trường kinh tế Trung Quốc đang gặp những vấn đề khó khăn nhất do đại dịch COVID-19, sau khi chính phủ nước này tuyên bố nới lỏng “zero COVID” ngày 7/12, gây ra số ca lây nhiễm và tử vong cao kỷ lục.

Công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh tuần trước ước tính Trung Quốc đang trải qua giai đoạn ngắn với hơn một triệu ca nhiễm bệnh và 5.000 ca tử vong mỗi ngày. COVID-19 bùng phát trở lại tại nền kinh tế số 2 thế giới, được dự báo kéo dài đến hết quý I/2023. Đây chính là lý do hàng nghìn doanh nghiệp tỏ ra bi quan với sức mua của thị trường bán lẻ.

Hiện tại, cả hai chỉ số quan trọng là xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã suy giảm, hiện tượng chưa từng ghi nhận trong 2 thập kỷ qua. Người tiêu dùng nước ngoài giảm mua sắm vì gánh nặng lạm phát kèm nỗi lo suy thoái. Trong khi thị trường nội địa vẫn đang chịu áp lực dịch bệnh và khủng hoảng thị trường bất động sản.

Ông Hui Shan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs cho rằng, việc giảm xuất khẩu ròng của Trung Quốc dự kiến sẽ làm giảm 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023.

p/162,06 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tính hết tháng 11 theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan.

162,06 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tính hết tháng 11 theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan.

Khi xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm tốc, thì Trung Quốc quay lại khai thác thị trường nội địa để bù đắp phần sụt giảm này. Tuy vậy, dường như mục đích nới lỏng chống dịch của Trung Quốc chưa đạt yêu cầu đặt ra. Tình trạng lây nhiễm và tử vong cao do COVID-19 đã và đang hủy hoại thị trường bán lẻ, có thể khiến giới chức nước này xét lại việc nới lỏng zero-Covid.

Hơn nữa, các cuộc suy thoái trong quá khứ chứng minh, niềm tin của người tiêu dùng sẽ cần thời gian đủ dài để hồi phục, nghĩa là bất kỳ đợt giải phóng “nhu cầu bị dồn nén” nào sắp tới có thể gặp rủi ro.

Như vậy, quá trình mở cửa trở lại hoàn toàn của Trung Quốc đầy chông gai khi các trụ cột tăng trưởng chính trong quá khứ không được chú trọng. Nước này đang chuyển từ mô hình phụ thuộc nhiều vào bất động sản và cơ sở hạ tầng sang nền kinh tế xanh, và kỹ thuật số đóng vai trò chủ đạo.

>> Trung Quốc dần nới lỏng chính sách zero- COVID

Lạc quan thận trọng

Sự trở lại của nền kinh tế Trung Quốc được chờ đợi bởi nó mang lại xung lực mới trong bối cảnh các trung tâm của thế giới rơi vào trạng thái ảm đạm. Nhưng hiện đang nổi lên những vấn đề cần lưu tâm:

Thứ nhất, khả năng hoạt động bình thường của thị trường Trung Quốc đang bỏ ngỏ. Do đó, triển vọng chưa có gì sáng sủa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.

Trước thực trạng trên, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nên đi trước một bước. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện khá nhiều chuyến công du nước ngoài. Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương lớn về ngoại giao đa phương, còn mang lại cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên diễn ra vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra đường hướng cho phát triển kinh tế trong năm 2023. Theo đó, năm tới, nước này sẽ tập trung vào bình ổn nền kinh tế và tiến tới điều chỉnh chính sách để đảm bảo đạt được các mục tiêu chính của nền kinh tế.

Theo đó, Trung Quốc sẽ giữ chặt thị trường nội địa- một loại hình bảo hộ thị trường để ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, vì khả năng tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu không khả quan. Do vậy, các doanh nghiệp nên “dè chừng” với các thay đổi bất ngờ về chính sách kinh tế biên mậu- bài học mới xảy ra với doanh nghiệp Việt Nam. Một số rủi ro đã từng xảy ra là: hạn chế thông quan hàng hóa, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng nông sản mà các doanh nghiệp Đông Nam Á có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Thứ ba, xuất hiện dòng chảy ngược từ Trung Quốc tràn vào thị trường lân cận. Theo dữ liệu Hải quan, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng lên, vượt qua xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU trên cơ sở hàng tháng vào tháng 11 vừa qua. Cạnh tranh với hàng Trung Quốc không hề dễ dàng.

Mặt khác, nguy cơ lây nhiễm biến chủng mới qua con đường thương mại không hề nhỏ, đặc biệt với các quốc gia lân cận có chung đường biên giới trên đất liền dù đến nay, nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam gần như đã bình thường hóa công tác phòng chống Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Nới lỏng zero- COVID, Trung Quốc sắp mở cửa nền kinh tế

    Nới lỏng zero- COVID, Trung Quốc sắp mở cửa nền kinh tế

    03:40, 10/12/2022

  • Trung Quốc khó bỏ ngay chiến lược zero- COVID

    Trung Quốc khó bỏ ngay chiến lược zero- COVID

    04:00, 24/11/2022

  • Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc

    Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc "ngấm đòn" vì zero- COVID

    15:16, 04/11/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ