WEF Davos 2023 trước thách thức mới
Diễn đàn kinh tế thế giới WEF Davos 2023 vắng tới 6 nguyên thủ quốc gia khối G7. Tính thực tiễn của Diễn đàn này đã bị đặt dấu hỏi.
>>WEF DAVOS 2022: Nhiều vấn đề hóc búa cần có lời giải
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ đã khai mạc. Đây là cuộc họp thường niên, nơi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và nhà kinh tế ưu tú toàn cầu đưa ra những dự báo và cố gắng thiết lập chương trình nghị sự cho năm tới, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như ý muốn.
WEF Davos 2023 xoay quanh các nội dụng trọng tâm, như xu hướng toàn cầu hóa, căng thẳng thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động của chiến sự Nga - Ukraine.
Tại Diễn đàn Davos năm nay, khối G7 chỉ có duy nhất Thủ tướng Đức, Olaf Scholz có mặt tại Thụy Sĩ. Lý do vắng mặt của nhà các nhà lãnh đạo khác của G7 thường gắn liền với những vấn đề cấp bách hơn cần ưu tiên giải quyết của các nguyên thủ tại đất nước của mình.
Ấy là lạm phát tăng vọt ở các trung tâm kinh tế thế giới. Báo cáo rủi ro trước hội nghị thượng đỉnh WEF cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, khan hiếm lương thực và giá cả vượt quá khả năng chi trả đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Chính vì thế, WEF Davos ngày càng trở thành chủ đề bị chỉ trích, với một số cáo buộc những người tham dự là “chủ nghĩa tinh hoa và đạo đức giả” - chẳng hạn như việc đến bằng máy bay riêng để thảo luận về biến đổi khí hậu, tận hưởng bầu không khí đậm chất nghỉ dưỡng ở Thụy Sĩ hơn là nghiêm túc tìm giải pháp giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt.
Ví dụ, vào năm 2019, nhà sử học người Hà Lan, Rutger Bregman đã cáo buộc nhiều nhà kinh doanh sừng sỏ tham dự cùng ông đã không nộp thuế một cách công bằng khi nói về “công lý, bình đẳng và minh bạch”.
Rất nhiều cuộc thảo luận về bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo từng gây tiếng vang ở Davos, nhưng sau đó tất cả đều bị lãng quên rất nhanh chóng. Những nhà đại tư bản nắm trong tay hầu hết lợi thế, rủi ro đẩy về phía các nước nghèo.
Đặc biệt, WEF Davos trở thành một diễn đàn “thảo luận” nhiều hơn là “giải quyết”, cho dù các dự báo kinh tế đưa ra rất giàu tính nghiên cứu. Song sự lên ngôi của trào lưu “lợi ích quốc gia là trên hết” khiến diễn đàn này càng ngày càng mờ nhạt.
Khẩu hiệu Davos 2023 là “Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh” đặt ra thử thách rất lớn với những người tham gia, cho dù họ đã nhìn thẳng vào vấn đề không thể nào trốn tránh.
Quá trình phân rã mối liên kết toàn cầu bắt đầu từ năm 2018, được đại diện với sự đổ vỡ quan hệ Trung - Mỹ, sau đó dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy thêm xu hướng này. Sau đó, chiến sự Nga - Ukraine đóng vai trò như “chất xúc tác” giúp cộng hưởng các yếu tố làm rõ hơn tiến trình đơn phương hóa và đa cực hóa.
Tiến trình này biểu hiện rất cụ thể trong nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu - một chủ điểm quan trọng của WEF Davos 2023. Các nền kinh tế phát thải nhiều nhất không tìm thấy tiếng nói chung.
Thêm vào đó, chiến sự Nga - Ukraine đã chứng minh rằng, nhân loại cần thêm rất nhiều thời gian để chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Châu Âu - nơi cam kết mạnh mẽ nhất tại COP26 đã làm gì với năng lượng?
Đức, Anh và Pháp tái khỏi động hàng loạt nhà máy điện hạt nhân; cấp tập tìm kiếm dầu mỏ, khí đốt. Trong khi nước Nga sử dụng “vàng đen” làm công cụ đáp trả cũng như nguồn chi phí chủ đạo cho chiến tranh tại Ukraine; OPEC vẫn sử dụng dầu mỏ gia tăng quyền tự quyết của họ.
Có thể bạn quan tâm
WEF DAVOS 2022: Quan ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
16:00, 26/05/2022
WEF DAVOS 2022: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hẹp khoảng cách số
11:04, 25/05/2022
WEF DAVOS 2022: Nhiều vấn đề hóc búa cần có lời giải
05:10, 25/05/2022
WEF DAVOS 2022: Thế giới tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
15:08, 24/05/2022
ĐỐI THOẠI DAVOS: Trung Quốc thị uy sức mạnh “mềm”
06:00, 29/01/2021
ĐỐI THOẠI DAVOS: Gợi mở xu hướng phát triển mới
06:15, 27/01/2021