“Bước tiến” mới trong quan hệ Việt Nam-Ba Lan
Trong thập kỷ vừa qua, quan hệ Việt Nam- Ba Lan đã có nhiều bước phát triển tích cực, đặc biệt là quan hệ đầu tư, thương mại.
>> Khai phá tiềm năng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn ông Grzegorz Piechowiak, Quốc vụ Khanh Bộ Phát triển và Công nghệ Cộng hòa Ba Lan xung quanh vấn đề này nhân dịp Tết Qúy Mão.
- Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, kinh tế?
Hợp tác song phương giữa hai nước trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong thập kỷ vừa qua, Ba Lan có mức tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam trên 10%/năm. Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài EU.
Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm 2020. Điều này càng cho thấy nền tảng hợp tác và tình hữu nghị giữa hai nước luôn bền chặt.
Mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Hiện nay, Ba Lan đang bị thâm hụt cán cân thương mại với Việt Nam. Do đó, tôi mong mong muốn Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Ba Lan để cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước.
- Vậy trong thời gian tới, Ba Lan sẽ mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng nào tại Việt Nam, thưa ông?
Chúng tôi có những doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm. Trong các lĩnh vực này, Việt Nam và Ba Lan không phải cạnh tranh nhau mà bổ trợ cho nhau. Cụ thể, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU.
Các cơ quan của hai nước cũng đã gặp gỡ, trao đổi để đạt được thỏa thuận đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm từ hai phía. Tôi kỳ vọng quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn nữa trong tương lai để các sản phẩm chất lượng cao tại Ba Lan sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam cũng như vào khu vực ASEAN.
>> Ba Lan cần nguồn hàng Việt Nam có thế mạnh
Mặt khác, các doanh nghiệp Ba Lan hoàn toàn có thể cung cấp cho Việt Nam những công nghệ tiên tiến và hiện đại. Ba Lan cũng là quốc gia dẫn đầu trong việc chuyển đổi số và sở hữu nhiều chương trình phần mềm trong các lĩnh vực như quản lý công dân điện tử, tài chính, ngân hàng… Những hệ thống này được xây dựng với độ bảo mật cao, hạn chế được các hành động đánh cắp dữ liệu.
Hiện nay, chúng tôi đang khảo sát sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này để tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam giới thiệu những sản phẩm tốt nhất cho phía Việt Nam với giá cả cạnh tranh.
- Dư địa hợp tác Việt Nam- Ba Lan còn rất lớn. Theo ông, hai bên cần có giải pháp gì để khơi dậy tiềm năng này trong giai đoạn mới?
Vai trò của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng của hai nước cần có trách nhiệm tìm kiếm những mối quan tâm đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp hai bên để đạt được hiệu quả cao trong việc đàm phán. Chúng tôi đang khai thác những tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp Ba Lan để có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại trong một vài năm tới.
Chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam đầu tư vào Ba Lan. Các doanh nghiệp nước ngoài được miễn giảm thuế, thậm chí được nhận vốn đầu tư để xây trụ sở làm việc tại Ba Lan.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Cục Xúc tiến thương mại, đầu tư Ba Lan đã có Văn phòng đại diện tại TP.HCM để hỗ trợ các doanh nghiệp Ba Lan tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tới đây để tìm kiếm thông tin và nhận hỗ trợ khi đầu tư tại thị trường Ba Lan.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm