Chiến sự Nga- Ukraine: Tổng thống Ukraine toan tính gì khi đến châu Âu?
Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Ukraine được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa viện trợ của khối này và đẩy nhanh tiến trình gia nhập khối của Ukraine.
>>Nga có mạo hiểm dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?
Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi EU sớm kết nạp Ukraine, và nhận định tiến trình gia nhập liên minh là “đường về nhà” của nước này.
Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine chia sẻ các giá trị với châu Âu, chứ không phải Nga, đồng thời khẳng định ông tới đây để bảo vệ đường về nhà của dân Ukraine. "Tại thời điểm này, tình đoàn kết và sự tự do của chúng ta cần thêm một thứ mà thiếu nó, mọi điều đều trở nên mong manh. Đó là an ninh", ông Zelensky khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng hối thúc EU cung cấp vũ khí cho Ukraine nhanh hơn trước khi Nga tập hợp lực lượng cho đợt tiến công mới. "Chúng ta phải tăng cường động lực hợp tác. Chúng ta phải làm điều đó nhanh hơn Nga", ông Zelensky cho biết.
Bên cạnh cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của EU như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Zelenskyy cũng dành nhiều thời gian cho các cuộc gặp song phương với một số nhà lãnh đạo để thúc đẩy việc viện trợ vũ khí, từ đạn dược đến máy bay chiến đấu - thứ vũ khí mà khối này vẫn đang cân nhắc gửi đến Kiev.
Đặc biệt, Tổng thống Ukraine đã chọn Vương quốc Anh làm điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến công du châu Âu lần này. Việc ông Zelensky đến thăm Anh không chỉ để cảm ơn nước viện trợ lớn thứ hai của họ, mà còn muốn duy trì sự ủng hộ của công chúng Anh.
Ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh nhận định, hình ảnh Tổng thống thời chiến, mặc chiếc áo nỉ màu xanh quân đội, xuất hiện giữa những những bộ vest trang trọng của các Nghị sĩ Quốc hội Anh sẽ như lời nhắc nhở cho công chúng về nhu cầu quân sự của Ukraine.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn đánh quyết định tại Crimea?
Có thể thấy, chiến sự Nga- Ukraine đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Ukraine trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, khi cuộc chiến đang kéo dài đến mốc 1 năm và không có dấu hiệu nào cho thấy, hai bên sẽ ngồi xuống bàn đàm phán, một số quốc gia Châu Âu đã dần cạn kiệt vũ khí do viện trợ quá lớn cho Ukraine.
Ông Gerald Knaus, Chủ tịch Sáng kiến Ổn định Châu Âu đánh giá, mặc dù Ukraine sẽ tiếp tục có sự viện trợ của phương Tây trong thời gian tới, tuy nhiên, quốc gia này không thể gia nhập EU trong ít nhất là hai năm nữa.
Đối với bất kỳ quốc gia mới nào muốn gia nhập EU, có hai điều phải làm, đó là phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của EU và bản thân EU phải thay đổi. Việc tạo được sự đồng thuận là rất khó khăn với 27 thành viên. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã nhấn mạnh rằng không thể có sự mở rộng khối trước khi tiến hành cải cách EU.
Điều này không có nghĩa là Ukraine, hay 6 quốc gia vùng Balkan, nên từ bỏ tham vọng của mình. Thật vậy, trong vô số thỏa thuận được ký kết ở Kiev, có một số thỏa thuận giúp các công ty Ukraine tiếp cận thị trường chung của EU.
Theo ông Knaus, việc đưa Ukraine, cũng như các nước vùng Balkan vào thị trường chung châu Âu là một bước tiến thực tế hơn là nhắm đến việc trở thành thành viên EU ngay lập tức. Nó sẽ mang lại cho các quốc gia này những lợi ích kinh tế to lớn mà không làm thay đổi cơ bản cấu trúc chính trị của EU.
"Dù không thể trở thành thành viên của khối một cách nhanh chóng, nhưng chuyến đi của Tổng thống Ukraine tới Châu Âu lần này là một lời khẳng định rõ ràng với Nga, rằng phương Tây sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ với Kiev, bất chấp việc cuộc chiến sẽ kéo dài", ông Knaus nói.
Có thể bạn quan tâm