Chiến sự Nga- Ukraine: "Báo động đỏ" thiếu hụt vũ khí ở Ukraine
Trong khi chiến trường miền Đông đang nóng bỏng, sự e dè của phương Tây trước các đòi hỏi vũ khí của Ukraine có thể mang đến những lo lắng nhất định cho Kiev.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: "Nóng" cuộc chiến trên không
Nguy cơ thiếu đạn
Kiev đang sốt sắng chờ đợi những lô vũ khí tiên tiến từ phương Tây. Thế nhưng trước khi quan tâm đến máy bay phản lực, Ukraine đã phải lo lắng một vấn đề cốt lõi hơn: thiếu đạn.
Quân đội Ukraine đang tiêu tốn hàng nghìn viên đạn mỗi ngày, trong khi sức sản xuất đạn dược của phương Tây không thể theo kịp. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Nga bắt đầu các chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào các chốt chặn của Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói chiến sự Nga- Ukraine đang khiến các kho vũ khí của khối NATO cạn kiệt nhanh chóng. “Cuộc chiến ở Ukraine đang tiêu tốn một lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của liên minh. Tỉ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cho chiến sự cao gấp nhiều lần so với tỉ lệ sản xuất hiện tại của NATO. Điều này gây căng thẳng cho ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi”.
Sản xuất vũ khí của Mỹ và phương Tây phụ thuộc vào các tập đoàn công nghiệp quốc phòng kinh doanh vì lợi nhuận. Điều này đặt ra một vấn đề lớn đối với các nước NATO, đó là phải tăng chi tiêu cho quốc phòng để có thể thúc giục các công ty đẩy nhanh tiến độ sản xuất vũ khí.
Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh hôm 13/2 rằng việc tăng cường dự trữ và sản xuất đạn dược, vũ khí “đòi hỏi các đồng minh NATO phải chi tiêu quốc phòng nhiều hơn”.
Ông Ben Hodges, cựu Chỉ huy của Quân đội Mỹ tại Châu Âu, cho rằng các công ty cần một tín hiệu nhu cầu rõ ràng hơn từ các chính phủ. “Đây không phải là tổ chức từ thiện. Họ là các doanh nghiệp thương mại, vì vậy bạn phải có tiền đặt hàng trước khi bắt đầu sản xuất”.
Thế nhưng, chủ đề tăng chi tiêu quốc phòng vẫn luôn là một yếu tố nhạy cảm trong chính sách của các quốc gia EU. Bối cảnh lạm phát gia tăng và kinh tế trì trệ khiến các quốc gia Châu Âu đau đầu trong việc hỗ trợ Ukraine trong khi phải giải quyết các vấn đề kinh tế quốc nội.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine có nguy cơ mất lợi thế vệ tinh
Máy bay chiến đấu vẫn xa vời
Máy bay chiến đấu vẫn luôn được Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh trong các phát biểu kêu gọi viện trợ của phương Tây. Thế nhưng, chưa có quốc gia nào thực sự hào hứng với đề xuất này của Kiev.
Không phải Mỹ hay Đức, Vương quốc Anh mới là nước chủ động nhất trong vấn đề này. London thông báo họ sẽ giúp Ukraine đào tạo phi công máy bay chiến đấu. Nhưng khi đề cập đến việc cung cấp máy bay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói đây “không phải là vấn đề đơn giản”. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng việc gửi máy bay F-16 sẽ là một quyết định không dễ thực hiện, bởi nước này không có đủ máy bay.
Một vấn đề khác là máy bay hiện đại không chắc đã giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường. Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên nói với tờ Politco rằng “Họ muốn làm gì với máy bay? Ukraine có nghĩ rằng với 50 hay 100 máy bay chiến đấu, họ có thể chiếm lại Donbas?”
Chưa kể đến các phi công Ukraine hoàn toàn lạ lẫm với các máy bay tiêm kích của Mỹ và phương Tây. Việc huấn luyện thành thục, nếu nhanh, cũng sẽ mất hơn 6 tháng – một khoảng thời gian quá lâu so với diễn biến thực tế trên chiến trường và đòi hỏi của Kiev.
Theo các chuyên gia, giải pháp thực tế nhất là một số quốc gia nên cung cấp cho Ukraine những chiếc máy bay MiG – vốn đã quen thuộc với lực lượng không quân Ukraine để có thể đưa vào chiến trường nhanh nhất có thể. Slovakia có khả năng nhất nếu gửi các máy bay phản lực MiG-29 tới Ukraine.
Xe tăng vẫn chưa thể chiến đấu
Bất chấp những tuyên bố rầm rộ về việc cung cấp xe tăng cho Kiev, việc chuyển giao trên thực tế vẫn chưa có nhiều động thái cụ thể.
Đức đòi hỏi các quốc gia ủng hộ ý tưởng này, ám chỉ Mỹ phải thực hiện đúng tuyên bố của họ. “Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng nhiều bên khác sẽ tiếp tục thực hiện tuyên bố này bằng hành động thiết thực. Mục tiêu của Đức là Ukraine có thể nhận xe tăng vào cuối tháng 3/2023 và việc huấn luyện đã bắt đầu”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.
Nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang dồn mọi nguồn lực để tạo ưu thế trên chiến trường Donbass trước một Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí phương Tây. Mỹ và Châu Âu hẳn sẽ phải vượt qua nhiều rào cản chính trị và thống nhất hành động hơn nữa nếu không muốn Ukraine đánh mất một khu vực quan trọng vào tay Moscow.
Xem ra chiến sự Nga- Ukraine ngày càng diễn phức tạp. Nếu Mỹ và phương Tây không tìm cách giúp Ukraine lấp chỗ trống về vũ khí hiện nay, thì quốc gia này khó giành lại các vùng lãnh thổ đã bị chiếm giữ bởi Nga, thậm chí còn mất thêm nhiều phần lãnh thổ khác.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Những sai lầm chiến lược của Nga dần lộ rõ
04:00, 11/02/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Nga dồn lực tấn công phía Đông Ukraine
15:04, 10/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Tổng thống Ukraine toan tính gì khi đến châu Âu?
03:30, 10/02/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn đánh quyết định tại Crimea?
05:00, 09/02/2023