Trung Quốc hưởng lợi gì từ chiến sự Nga - Ukraine?
Các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga được cho là đang giúp Trung Quốc thúc đẩy các lợi ích kinh tế và chiến lược của mình.
>>Trung Quốc rút ra bài học nào từ chiến sự Nga - Ukraine?
Mặc dù Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, nhưng đã trở nên thân thiết hơn kể từ khi Mỹ bắt đầu trừng phạt Nga về việc nước này sáp nhập Crimea năm 2014, nhất là sau khi Nga phát động chiến sự Nga- Ukraine. Một số nhà quan sát tin rằng bên hưởng lợi lớn nhất từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga là Bắc Kinh chứ không phải Kiev. Lời nhắc nhở về tác dụng phụ của các biện pháp trừng phạt này sẽ khiến Washington phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình, thay vì phụ thuộc nhiều hơn vào các hình phạt thương mại.
Các biện pháp trừng phạt từ lâu đã là một công cụ chính sách đối ngoại ưa thích của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, mặc dù chúng hiếm khi làm thay đổi hành vi của các quốc gia mục tiêu. Tuy nhiên, kể từ khi sức ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm mạnh, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đã bị xói mòn rõ rệt.
Ông Brahma Chellaney, cựu Cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ đánh giá, các biện pháp trừng phạt đang đưa hai đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc và Nga lại gần nhau hơn; đồng thời củng cố quan hệ đối tác chống lại phương Tây và thúc đẩy thương mại song phương về công nghệ và thiết bị quân sự. "Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga và cũng là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây", ông Brahma Chellaney nói.
Trên thực tế, giới quan sát đánh giá, Trung Quốc đã đi theo một con đường khá an toàn khi gây áp lực vào những thời điểm lợi ích của Trung Quốc có nguy cơ bị trừng phạt và khi môi trường kinh doanh không chắc chắn. Cụ thể, trong thời gian đầu của chiến sự Nga- Ukraine, các ngân hàng Trung Quốc đã ngừng tài trợ cho việc mua hàng hóa của Nga và Sinopec đã đình chỉ các cuộc đàm phán về đầu tư hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt ở Nga.
Lo ngại trước các biện pháp trừng phạt thứ cấp có thể xảy ra, vào tháng 4/2022, nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc DJI Technology đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh ở Nga và Ukraine để ngăn chặn việc sử dụng máy bay không người lái của họ trong chiến đấu.
Nhưng ngay sau đó, Bắc Kinh cũng đã tiếp tục tiến hành các hoạt động thương mại khi môi trường thuận lợi. Khi làm như vậy, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để thúc đẩy lợi ích chính sách đối ngoại của mình vào thời điểm vô cùng bất ổn trong môi trường quốc tế.
The Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin từ trung tâm nghiên cứu C4ADS của Washington cho biết để đổi lấy quyền tiếp cận nhiều hơn với công nghệ quân sự của Nga, Trung Quốc được cho là đã hỗ trợ cuộc chiến của Moscow bằng cách cung cấp thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu và các bộ phận máy bay chiến đấu cho các thực thể bị trừng phạt, dù trên thực tế, Trung Quốc đã không công khai cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga trong chiến sự tại Ukraine.
>>"Bước đi" mới của Trung Quốc trong nỗ lực hàn gắn với châu Âu
Trong khi đó, việc châu Âu chuyển từ năng lượng của Nga sang nhập khẩu từ những nguồn cung khác đã mở đường cho Trung Quốc xây dựng một mạng lưới an toàn có thể chịu được các lệnh trừng phạt của phương Tây và thậm chí là phong tỏa trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tại bán đảo Đài Loan. Trung Quốc đã làm tăng đáng kể dòng chảy dầu và khí đốt trên đất liền từ Nga với mức giá chiết khấu cao, từ đó thiết lập một đường cung cấp khó bị gián đoạn.
Trung Quốc thường nhanh chóng nắm bắt các cơ hội phát sinh từ sự cô lập của một quốc gia bị trừng phạt. Kết quả là, các biện pháp trừng phạt của Mỹ thường giúp thúc đẩy các lợi ích chiến lược và thương mại của Bắc Kinh. Điều này cũng được thấy khi các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ đã đẩy Iran xích gần hơn về phía Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ nổi lên như một nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác an ninh của Iran, mà Bắc Kinh được cho là mua dầu của Tehran với mức chiết khấu cao.
Trên thực tế, chuyên gia Chellaney cho biết trên Asia Nikkei Review rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu đánh giá nội bộ các lệnh trừng phạt của quốc gia này để hiểu được lợi ích và hậu quả của chúng. Theo một phiên bản giải mật của bản đánh giá được công bố vào tháng 10/2021 đã lưu ý chính quyền Mỹ nên đánh giá liệu các biện pháp trừng phạt có phải là "một công cụ phù hợp với hoàn cảnh" hay không trước khi áp đặt chúng; cũng như cách thức phối hợp các biện pháp trừng phạt với các đồng minh để mở rộng tác động và đạt được các mục tiêu rõ ràng.
Tuy nhiên, Washington đã không có nhiều thay đổi trong các biện pháp trừng phạt. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, thay vì gia tăng các biện pháp trừng phạt, Mỹ và phương Tây cần xem xét lại để công cụ này thực sự phát huy hiệu quả, nhất là khi Nga đang có xu hướng kéo dài chiến sự Nga- Ukraine và Trung Quốc vẫn âm thầm hưởng lợi từ cuộc chiến này.
Có thể bạn quan tâm