Chiến sự Nga - Ukraine đã tạo cơ hội cho Trung Quốc nghiên cứu chiến lược, chiến thuật và khả năng của một liên minh trừng phạt.
>>Trung Quốc đang toan tính gì ở châu Âu?
Việc một cường quốc ứng xử với một cuộc chiến tranh cụ thể đang diễn ra luôn là bài học quý giá với tất cả, nhất là trong bối cảnh xu thế đa cực lên ngôi - nhiều quốc gia quay lại với chủ nghĩa “lợi ích dân tộc trên hết”.
Điều đó góp phần tìm đáp án cho bài toán làm gì để không rơi vào vòng xoáy cạnh tranh, trở thành “quân xanh” trên bàn cờ chính trị quốc tế. Đây là một thực tiễn đang diễn biến rất rõ rệt ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hãy lấy cách ứng xử của Trung Quốc với chiến sự Nga - Ukraine làm ví dụ: Trước khi cuộc chiến xảy ra, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin liên tục thắt chặt quan hệ song phương, hai bên đã xây dựng hành lang riêng về tài chính, thương mại.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên đỉnh điểm, ông Tập nói với hãng thông tấn Nga (TASS) rằng: “ông Putin là người bạn thân thiết, tốt nhất của tôi”. Trước khi tấn công Ukraine, Tổng thống Putin đích thân đến Trung Quốc dự khai mạc Olympic Bắc Kinh ngày 4/2/2022.
Nhưng đến khi Moscow có dấu hiệu sa lầy vì “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Trung Quốc đã cố gắng cân bằng hai lợi ích cơ bản không thể dung hòa. Về lý thuyết, Trung Quốc ủng hộ những lý lẽ căn bản của Kremlin nhưng họ đã tìm cách tránh các biện pháp trừng phạt đơn phương và phối hợp nhằm vào chính phủ, các công ty và tổ chức tài chính của Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc đã tăng cường kết nối với kinh tế Nga, nhưng bằng cách tránh trực tiếp giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Bằng chứng là thương mại song phương Trung - Nga đã tăng trưởng đáng kinh ngạc 34,3% vào năm 2022 lên mức kỷ lục 190 tỷ USD.
Có thể nói, chiến sự Nga - Ukraine đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh nghiên cứu chiến lược, chiến thuật và khả năng của một liên minh trừng phạt khi liên minh này hoạt động nhằm làm tê liệt một bất kỳ đối trọng nào đó.
Hai gọng kìm mà bất kỳ quốc gia nào cũng rất e ngại phương Tây, đó là hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu và thương mại. Do vậy, Trung Quốc cấp tốc hình thành mạng lưới tài chính, tiền tệ riêng với Nga và các quốc gia Trung Á.
Về thương mại, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vạch ra mục tiêu 100 năm lần thứ 2, tinh thần bao quát là củng cố khả năng tự chủ, sử dụng nội lực nhiều hơn ngoại lực.
>> Chiến sự Nga- Ukraine sẽ kéo dài tới khi nào?
Việc lấp đầy kho dự trữ dầu mỏ chiến lược và thắt chặt quan hệ song phương với những nước giàu năng lượng như: Iran, Qatar, Saudi Arabia,… có ý nghĩa chiến lược, cho thấy tầm nhìn rất xa của giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh.
Rõ ràng, cơ chế cấm vận mà phương Tây đang áp dụng với Nga - có thể không dễ dàng áp dụng với Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc rất biết cách “sao chép” cách thức của Mỹ, “dĩ độc trị độc”.
Ví dụ, vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa tài sản có mục tiêu và cấm thị thực đối với các quan chức từ Canada, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu - những người chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hồng Kông.
Cùng năm đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thiết lập “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” để hạn chế các công ty có khả năng tiếp cận hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc. Động thái này y hệt như cách mà Washington thường làm!
Trung Quốc đang làm đầy “kho vũ khí kinh tế”, sẵn sàng đáp trả một khi lợi ích sát sườn bị phương hại. Đây là thực lực đáng kể mà không quốc gia nào đủ điều kiện để tích lũy.
Nói cách khác, Nga đang là hệ quy chiếu để Trung Quốc kịp thời vá lổ hổng. Bởi trạng thái đối đầu Trung - Mỹ có thể sẽ đến lúc nào đó cần “giải nhiệt” bằng một cuộc chiến tranh quy ước.
Có thể bạn quan tâm