Kho vũ khí cạn kiệt, Mỹ và phương Tây "hiến kế" cho Ukraine
Trong bối cảnh các kho dự trữ vũ khí của phương Tây đang dần cạn kiệt, Mỹ và các quốc gia châu Âu đang thúc giục Ukraine thay đổi chiến thuật để sớm giành lợi thế trước Nga.
>>Những toan tính của NATO trong chiến sự Nga - Ukraine
Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến sự đoàn kết bền vững và kiên quyết của Mỹ và phương Tây trong việc trợ giúp Ukraine đối phó với cuộc chiến của Nga. Các đồng minh phương Tây của Kiev đã không ngừng cung cấp cho quân đội Ukraine tên lửa Javelin và Stinger, pháo phản lực và gần đây nhất là xe tăng hiện đại.
Đối với Mỹ, quốc gia này không chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng, Tổng thống Biden còn trình bày chi tiết ý định cung cấp hỗ trợ an ninh nhiều hơn bất kỳ hỗ trợ nào được đưa ra từ trước đến nay.
Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận với CNN rằng, quy mô hỗ trợ của Mỹ trong năm đầu tiên của cuộc chiến vượt xa mọi kế hoạch mà họ đã dự tính trước. Đồng thời, họ cũng thừa nhận, khi chiến sự Nga- Ukraine bước sang năm thứ hai, việc viện trợ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong bối cảnh các kho dự trữ vũ khí của phương Tây đang cạn kiệt, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết họ còn đang khuyến khích Ukraine thay đổi chiến thuật chiến trường với kỳ vọng Kiew có thể chuyển từ kiểu chiến đấu tiêu hao sang kiểu chiến tranh cơ giới hóa với các chuyển động nhanh chóng, bất ngờ để phản công lại Nga. Từ đó, Ukraine sẽ giành được những thắng lợi quyết định trên chiến trường để tạo một vị thế vững chắc trên bàn đàm phán hòa bình.
“Rất nhiều kho dự trữ đạn dược đã cạn kiệt ở châu Âu,” Bộ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng Estonia Kusti Salm nói với CNN, và cho biết thêm năng lực sản xuất công nghiệp hiện tại của châu Âu bị hạn chế về tốc độ sản xuất đạn dược. Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng lưu ý năng lực sản xuất của châu Âu và NATO cần phải được củng cố nếu phương Tây muốn đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong dài hạn.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Kết cục nào trong năm 2023?
“Chiến sự Nga- Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao sức lực, nên cũng là một trận chiến về hậu cần. Cuộc chiến này đang tiêu tốn một lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của các đồng minh trong khối. Tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn gấp nhiều lần so với tỷ lệ sản xuất hiện tại của chúng tôi”, ông Stoltenberg cho biết.
Châu Âu đang kỳ vọng sẽ đưa ra được một đề xuất hiệu quả về cách thức tăng sản lượng sản xuất đạn dược trên toàn khối. Đây là một vấn đề phức tạp, vì sản xuất đạn dược rất tốn kém và sẽ đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng phải nâng cấp cơ sở vật chất của mình. Hiện nay, Mỹ bắt tay vào việc tái vũ trang, bao gồm triển khai các kế hoạch nhằm tăng sản lượng sản xuất đạn pháo lên 500%.
Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ đã kêu gọi Ukraine chuyển sang phong cách chiến đấu cơ động đang được Mỹ và các quân đội hiện đại khác áp dụng, nghĩa là sử dụng các hành động nhanh, bất ngờ và kết hợp nhiều loại vũ khí chiến đấu khác nhau thay vì phụ thuộc quá nhiều vào pháo binh.
“Về mặt chiến lược, các đồng minh của Mỹ đang nhận ra rằng đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài, cực kỳ tốn kém. Để quản lý các chiến lược một cách hiệu quả hơn, các nước phương Tây cần phải xác định mục tiêu cuối cùng của cuộc xung đột này là gì?”, ông Liam Collins, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Chính sách Madison đánh giá.
Ông Collins chỉ ra, đến khi nào Ukraine vẫn thể hiện khả năng và quyết tâm thì viện trợ quân sự vẫn còn tiếp tục và các lệnh trừng phạt sẽ vẫn được ban hành.
Có thể bạn quan tâm
Trục lợi ích mới từ chiến sự Nga - Ukraine
04:30, 21/02/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Kết cục nào trong năm 2023?
03:20, 21/02/2023
Những toan tính của NATO trong chiến sự Nga - Ukraine
04:30, 20/02/2023
Trung Quốc hưởng lợi gì từ chiến sự Nga - Ukraine?
04:00, 20/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Ông Putin đã hóa giải được thách thức nào?
03:30, 20/02/2023