Những quan điểm “đốt nóng” chiến sự Nga - Ukraine
Bên lề chiến sự Nga - Ukraine là sự xung đột sâu sắc về quan điểm an ninh, hòa bình, ứng xử giữa nước lớn và nước nhỏ,...
>>Tương lai chiến sự Nga - Ukraine sau chuyến đi của ông Joe Biden
Một năm chiến sự Nga - Ukraine đã trôi qua, mọi thứ đang rơi vào bất định nhưng các bên vẫn tỏ ra rất kiên định. Tổng thống Putin coi Ukraine là “cái gai” cần nhổ bỏ.
Thế giới phương Tây coi hành động đó là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc tế kể từ Thế chiến II, gây nguy hiểm cho các chuẩn mực về chủ quyền giúp duy trật tự quốc tế.
Điện Kremlin ôm mộng bá cường, giới tinh hoa chính trị Nga dưới trướng ông Putin cùng chung nỗi sợ về sự bành trướng của NATO đến lúc nào đó tiến sát biên giới nếu láng giềng Ukraine được kết nạp.
Vị trí quan trọng của Ukraine trên nhiều mặt khiến Nga sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ngăn nước này gia nhập NATO, thậm chí Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã tuyên bố: “Việc đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên NATO là một yêu cầu hoàn toàn bắt buộc”.
Học thuyết an ninh Nga ngày càng đào thêm hố ngăn cách với phương Tây, giờ đây không chỉ là quân sự, quốc phòng mà Moscow xem quan điểm dân chủ phương Tây, bao gồm cả lĩnh vực xã hội, nhân văn là mối họa cần phòng trừ.
Với cuộc chiến này, người Ukraine chiến đấu vì sự toàn vẹn lãnh thổ và phương Tây nhiệt thành ủng hộ điều đó. Phương Tây cung cấp vũ khí, tiền bạc cho Ukraine là một cách hiệu quả và thiết yếu để bảo vệ hòa bình toàn cầu và sự an toàn của chính họ.
Nhưng, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây cố tình tạo ra kịch bản buộc Nga dấn sâu hơn vào cuộc chiến bằng cách sử dụng Kiev như “công cụ” cho các hoạt động của NATO. Xét theo chiều hướng chiến tranh, nhận định này không phải không có lý.
Nếu ông Putin thành công trong việc giữ bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm: các quốc gia hùng mạnh có thể cưỡng đoạt đất đai từ những quốc gia yếu hơn. Từ trước tới nay Brussels luôn giữ lập luận như thế.
>> Cơ hội nào cho hòa đàm Nga- Ukraine?
Trong mắt những chính trị gia chống Nga, Ukraine đang chiến đấu không chỉ để tự cứu mình mà còn để bảo vệ các nguyên tắc quốc tế cơ bản. Cách thông minh và hiệu quả để đảm bảo an ninh ở châu Âu là đánh bại sự xâm lược của Moscow.
Mới đây, với việc các quan chức phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang cung cấp điều kiện giúp Nga sản xuất vũ khí, đấy chính là màn leo thang khôn ngoan kéo cường quốc châu Á vào rắc rối.
The Wall Street Journal cho rằng, Bắc Kinh đã cung cấp một số hàng hóa mà Nga cần để sản xuất vũ khí, bao gồm thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu và các bộ phận của máy bay chiến đấu phản lực.
Thật khó tưởng tượng kịch bản xung đột sẽ đến đâu nếu như Mỹ và châu Âu tìm thấy bằng chứng có sự can dự của Bắc Kinh. Nhưng trước khi nghĩ về viễn cảnh đáng sợ ấy, hãy đặt câu hỏi: Trung Quốc được gì khi cung cấp vũ khí cho Nga?
Sự thật, ông Putin không thể khiến Ukraine đầu hàng, tổn thất của cả hai nước đang gia tăng và ông cũng không quan tâm đến cái giá phải trả về con người của chính Nga. Điều đó có nghĩa là các cuộc tấn công sẽ tiếp tục cho đến khi phương Tây gửi vũ khí mạnh hơn có thể tấn công các trung tâm hậu cần của Nga nằm ở vị trí hở sườn.
Tất cả các bên đều cố gắng níu giữ quan điểm trái ngược nhau, duy chỉ một điều mà họ âm thầm chấp nhận lẫn nhau, đó là “không muốn ngồi vào bàn đàm phán lúc này”.
Có thể bạn quan tâm