Ứng xử với cạnh tranh địa chính trị Mỹ- Trung

TRƯỜNG ĐẶNG 06/03/2023 03:30

Trong cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung, ASEAN đang trở thành một hình mẫu về ứng xử của các nước nhỏ với các nước lớn.

Ứng xử với các cường quốc luôn là bài toán khó giải cho các nước nhỏ

>>Mỹ- Trung Quốc và sự trớ trêu của Facebook, Tiktok

Năm 1993, nhà khoa học chính trị Aaron Friedberg viết: “Quá khứ của Châu Âu có thể là tương lai của Châu Á” để dự báo châu Á sẽ trở thành trung tâm xung đột mới của thế kỷ 21.

Thế nhưng, đã rất lâu rồi khu vực ASEAN không phải chứng kiến các cuộc xung đột đa quốc gia quy mô lớn. Thay vào đó, các quốc gia trong khối đang trên đà phát triển thịnh vượng, dù thế giới đang chao đảo bởi chiến tranh, dịch bệnh và suy thoái.

Một thành công điển hình

Trong thập niên vừa qua, ASEAN, với tổng GDP 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020, đã đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với Liên minh châu Âu – nơi có tổng GDP gấp 5 lần. Các số liệu cho thấy, người dân Đông Nam Á đã nâng cao mức sống một cách đáng kể, trong khi người Mỹ và châu Âu đã giảm sút trong hai thập kỷ qua.

Hợp tác thương mại của ASEAN với Trung Quốc ngày càng phát triển

Hợp tác thương mại của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc ngày càng phát triển

Chiến lược thỏa hiệp và văn hóa thực dụng được cho là một trong những lý do chính giúp khối các quốc gia Đông Nam Á duy trì được một trật tự hòa bình và ổn định tương đối. Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù bị nhiều chỉ trích cho rằng ASEAN chỉ là một tập hợp thiếu chặt chẽ, thì chính sự thiếu thống nhất đó lại đóng một vai trò lớn cho sự phát triển hiện nay của khối.

Thứ nhất, ASEAN không thiếu những vấn đề tranh cãi gay gắt, như sắc tộc hay chủ quyền, nhưng các thành viên thường không có sự thống nhất trong cách giải quyết các vấn đề đó. Dù vậy, chính điều này đã giúp cho các căng thẳng không có cơ hội để leo thang và lan sang các vấn đề khác.

Thứ hai, bất chấp những khúc mắc, ASEAN vẫn ưu tiên tăng cường quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước lớn. Năm 2000, thương mại của ASEAN với Trung Quốc chỉ trị giá 29 tỷ USD. Đến năm 2021, thương mại hai chiều đã bùng nổ lên mức 669 tỷ USD, mặc cho các tranh cãi xung quanh vấn đề Biển Đông vẫn chưa được giải quyết.

Tính không đồng nhất của ASEAN còn có lợi ở một khía cạnh khác: không một cường quốc nào coi nó là một mối đe dọa. Đặc trưng trong hoạt động của ASEAN là dựa trên nền tảng về lợi ích chung, đặc biệt là về kinh tế, thay vì chung một hệ tư tưởng chính trị. Và trong mắt các cường quốc, đó là một yếu tố giúp giảm bớt các mối lo về việc chọn phe.

>>"Lộ diện" yếu tố sẽ quyết định trật tự thế giới mới

Xu hướng mới cho các nước đang phát triển

Theo chuyên gia Kishore Mahbubani của tờ Foreign Affairs, cách tiếp cận thực dụng của ASEAN trong xử lý mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng được coi là hình mẫu cho phần còn lại của thế giới đang phát triển.

Đang ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng cách tiếp cận thực dụng tương tự để cân bằng các mối quan tâm của Bắc Kinh và Washington.

Giống như ở Đông Nam Á, Châu Phi đang vun đắp mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Trung Quốc. Dù có những cảnh báo về bẫy nợ hay công nhân Trung Quốc xâm chiếm thị trường việc làm, các lợi ích vẫn rất đáng kể. Theo chuyên gia kinh tế Anzetse Were, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng với tốc độ hàng năm 25% kể từ năm 2000. Trong đó, nhân viên gốc Phi chiếm trung bình từ 70% đến 95% tổng lực lượng lao động tại các công ty Trung Quốc.

Thậm chí, những khu vực được coi là đồng minh thân cận của Mỹ cũng chọn cách tiếp cận cởi mở hơn với Trung Quốc. Từ 2002 đến 2021, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh và Caribe đã tăng từ 18 tỷ USD lên hơn 448 tỷ USD. Vùng Vịnh chứng kiến thương mại với Trung Quốc tăng gấp 9 lần từ 2000 đến 2021, vượt qua cả Mỹ và EU.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa các quốc gia này tách rời khỏi sức ảnh hưởng của Mỹ. ASEAN vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington thông qua việc hưởng ứng tích cực hầu hết các sáng kiến của Mỹ tại khu vực và trên thế giới, như Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các đồng minh truyền thống với Mỹ như Indonesia hay Philippines vẫn coi Mỹ là một lãnh đạo toàn cầu và một nhà bảo trợ an ninh uy tín. Dù vậy, về mặt lợi ích kinh tế, Mỹ không thể đưa ra một giải pháp thay thế khả thi nào cho các đề xuất mà Trung Quốc đưa ra.

Chiến lược tiếp cận của ASEAN trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ được quan tâm và áp dụng ở nhiều nước khác. Bởi một sai lầm trong cách ứng xử với các cường quốc có thể dẫn đến những nguy cơ thảm khốc cho cả một quốc gia. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    05:20, 28/02/2023

  • Cơ hội thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung chống biến đổi khí hậu

    Cơ hội thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung chống biến đổi khí hậu

    04:00, 15/11/2022

  • Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    04:50, 18/11/2022

  • Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    02:30, 16/11/2022

TRƯỜNG ĐẶNG