Đông Nam Á có thể thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề chống biến đổi khí hậu khi hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung gặp nhau bên lề Hội nghị G20.
>>"Nóng" cuộc chiến quyền lực mềm Mỹ- Trung
Trên thực tế, Đông Nam Á đã trở thành một điểm nóng trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh cạnh tranh gay gắt để giành các đối tác trong khu vực ngay cả khi các quốc gia này khẳng định rằng họ không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa hai cường quốc.
Do đó, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tiếp đầu tiên tại Bali trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) kể từ khi ông Biden nhậm chức, hai nhà lãnh đạo có cơ hội để cùng nhau tìm ra cách thức giải quyết mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với khu vực và thế giới: biến đổi khí hậu.
Hiện nay, gần 80% năng lượng được sử dụng ở Đông Nam Á được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, với đường bờ biển dài và các vùng thấp dưới mực nước biển khiến Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao do việc ấm lên toàn cầu gây ra.
Theo Asia Nikkei Review, Bangkok, Thành phố Hồ Chí Minh và Manila đã được xếp hạng là những thành phố thế giới dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng. Trong một cuộc khảo sát đầu năm nay được tiến hành với 1.386 người Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, hơn 90% người được hỏi đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về biến đổi khí hậu.
>>Bầu cử giữa kỳ Mỹ tác động thế nào đến quan hệ Mỹ - Trung?
Họ xác định lũ lụt, sóng nhiệt và sạt lở đất do mưa lớn kéo dài là những mối quan tâm hàng đầu của họ. Trong đó, những người dân sống tại các khu vực nông thôn tỏ ra lo lắng đặc biệt về hạn hán và sự xuống cấp của đất canh tác.
Các chuyên gia nhận định, không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á đang nổi lên như một phần quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Các thành viên ASEAN đã ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và 8 thành viên đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm thải các bon.
Các chính phủ ASEAN đã cam kết giảm phát thải bằng cách loại bỏ dần các nhà máy điện than, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, đồng thời trồng lại rừng và rừng ngập mặn dọc theo bờ biển theo các mốc thời gian khác nhau.
Hiện nay, Washington và Bắc Kinh đều cung cấp các hỗ trợ chống biến đổi khí hậu cho ASEAN theo những hướng riêng biệt. Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN tại Nhà Trắng vào tháng 5, Washington đã cam kết tăng tốc việc hỗ trợ cho khu vực này theo sáng kiến Tương lai Khí hậu Hoa Kỳ-ASEAN. Về phần mình, Bắc Kinh cũng cung cấp các hỗ trợ thông qua Trung tâm Hợp tác Môi trường Trung Quốc-ASEAN được thành lập năm 2011.
Chính vì vậy, ông Jonathan Stromseth, thành viên cấp cao tại Viện Brookings ở Washington nhận định, việc thiếu sự tham gia và phối hợp giữa Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu của sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang leo thang.
"Mặc dù cả hai bên đều bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác, nhưng các cuộc gặp giữa các đặc phái viên trong vấn đề khí hậu giữa hai nước đã đạt được rất ít tiến bộ. Đáng lo ngại, Bắc Kinh đã đình chỉ hợp tác khí hậu với Washington sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tháng 8 vừa qua", chuyên gia này cho biết.
Các nhà phân tích đang bị chia rẽ quan điểm về giá trị tiềm năng của hợp tác khí hậu Mỹ-Trung. Một bên là quan điểm truyền thống cho rằng hợp tác giữa hai quốc gia mạnh nhất và có nguồn lực tốt nhất thế giới là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Mặt khác, có quan điểm cho rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua bằng cách khuyến khích Washington và Bắc Kinh thực hiện các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu trong nước và cung cấp hỗ trợ nhiều hơn ở nước ngoài.
Trong chiến lược an ninh quốc gia mới mà Nhà Trắng công bố vào tháng trước, Washington cho biết họ sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong các lĩnh vực bao gồm khí hậu, các mối đe dọa từ đại dịch và các thách thức xuyên quốc gia khác.
Theo tinh thần của thỏa thuận đó, hai nước có thể đề xuất thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin về các chương trình hỗ trợ khí hậu tương ứng cho Đông Nam Á. Và ASEAN cần thúc đẩy động thái này như một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng cho khu vực, tạo tiền đề cho hợp tác khí hậu sâu rộng hơn trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Bầu cử giữa kỳ Mỹ tác động thế nào đến quan hệ Mỹ - Trung?
15:33, 07/11/2022
Khoảng cách chính sách tiền tệ Mỹ - Trung ngày càng xa
05:00, 24/08/2022
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc "tăng nhiệt"
04:20, 09/08/2022
Mỹ - Trung vẫn đối lập chính sách tiền tệ
05:00, 18/06/2022
Căng thẳng Mỹ - Trung đẩy giá vàng tăng trở lại
17:24, 04/08/2022