Kinh tế thế giới

Giải pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo ở ASEAN

Cẩm Anh 24/07/2025 11:05

Theo nhiều chuyên gia, các nhà lãnh đạo ASEAN phải hành động quyết đoán hơn để gắn kết lợi ích quốc gia với một tương lai chung, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Ảnh màn hình 2025-07-23 lúc 19.00.29
Đông Nam Á đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đông Nam Á đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhu cầu điện trong khối ASEAN dự kiến sẽ tăng 30% vào năm 2030, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, thu nhập tăng và tốc độ số hóa ngày càng mạnh.

Tuy vậy, một số quốc gia trong khu vực đã cho thấy rằng việc triển khai năng lượng sạch một cách nhanh chóng là hoàn toàn khả thi khi có điều kiện thuận lợi.

Đơn cử như Việt Nam, năm 2020 quốc gia này đã trở thành thị trường điện mặt trời lớn thứ ba thế giới, với công suất lắp đặt vượt 17 GW, bỏ xa mục tiêu đề ra cho năm 2025. Thành công này được hỗ trợ bởi chính sách biểu giá điện ưu đãi rõ ràng, tiến độ minh bạch và cởi mở với dòng vốn tư nhân.

Indonesia và Việt Nam cũng đã ký kết các thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá hàng tỷ USD với nhóm G7 và các tổ chức tài chính đa phương. Các khuôn khổ này nhằm đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá và thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo thông qua tài chính ưu đãi và nâng cao năng lực.

Ngay cả Singapore, quốc gia hạn chế về quỹ đất và tài nguyên thiên nhiên cũng đã định vị mình là trung tâm tài chính xanh và công nghệ của khu vực. Quốc đảo này triển khai các bộ phân loại hoạt động kinh tế xanh cấp khu vực và khuôn khổ công bố thông tin, nhằm thu hút và điều hướng dòng vốn nội địa và quốc tế vào các dự án đầu tư phù hợp với mục tiêu khí hậu trong ASEAN.

Năm 2023, khu vực chỉ thu hút được từ 32 đến 40 tỷ USD vốn đầu tư vào năng lượng sạch, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, ước tính 150–200 tỷ USD mỗi năm. Vai trò ngày càng lớn của Singapore trong việc thúc đẩy dòng vốn quốc tế cho hệ sinh thái năng lượng ASEAN có thể giúp thu hẹp khoảng cách này.

Về mặt công nghệ, các công cụ cần thiết để khử carbon không còn là giả định nữa. Mô hình lưới điện thông minh cỡ nhỏ, kết hợp năng lượng mặt trời, lưu trữ pin và hệ thống điều khiển kỹ thuật số đang được triển khai tại nhiều cộng đồng ngoài lưới điện ở Indonesia và Malaysia.

Song song với đó, công ty Temus có trụ sở tại Singapore đã cùng phát triển một nền tảng trí tuệ môi trường tích hợp AI, cảm biến và dữ liệu để theo dõi trữ lượng carbon, đa dạng sinh học và sử dụng đất. Các nền tảng kỹ thuật số này đang giúp khai thác giá trị của vốn tự nhiên, hỗ trợ các quyết định đầu tư bền vững hơn tại những khu vực giàu tài nguyên như Indonesia.

Các hệ thống quản lý năng lượng (EMS) có tích hợp AI cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa hoạt động lưới điện, cho phép cân bằng cung - cầu theo thời gian thực. Nếu không có tối ưu hóa linh hoạt, ASEAN có thể đối mặt với các rủi ro hệ thống tương tự như các đợt cắt điện luân phiên tại Tây Ban Nha năm 2021 hay bang California năm 2020, khi sự mất cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ vượt quá khả năng vận hành của lưới điện. Tại Thái Lan, Cơ quan Điện lực tỉnh đã thử nghiệm hệ thống EMS giúp giảm tới 8% công suất tiêu thụ điện vào giờ cao điểm.

Tại Việt Nam, những năm gần đây ghi nhận bước tiến vượt bậc trong chuyển dịch năng lượng, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á - Ảnh: ITN
Tại Việt Nam, những năm gần đây ghi nhận bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi năng lượng, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á - Ảnh: ITN

Trong khi đó, các hệ thống điện mặt trời và lưu trữ pin dạng mô-đun đang chứng minh tính khả thi tại các quốc đảo. Tại Maldives, một dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ đã triển khai các hệ thống mặt trời và pin trên hơn 160 hòn đảo, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào dầu diesel và tiết kiệm hàng triệu USD chi phí nhiên liệu mỗi năm.

Không chỉ được chứng minh về mặt công nghệ và thương mại, chi phí lắp đặt điện mặt trời và lưu trữ pin đã giảm lần lượt hơn 80% và 70% trong vòng một thập kỷ qua. Điều còn thiếu lúc này là hạ tầng chính sách để mở rộng quy mô triển khai trên toàn khu vực.

Năm 2022, Singapore bắt đầu nhập khẩu điện tái tạo thông qua Dự án Liên kết điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS-PIP), đánh dấu lần đầu tiên điện sạch được truyền tải từ Lào qua ba biên giới và tiêu thụ tại Singapore.

Về mặt kỹ thuật, LTMS-PIP đã được vận hành thành công. Nhưng khung chính sách nền tảng vẫn chưa theo kịp. ASEAN hiện vẫn thiếu các quy định hài hòa về chứng chỉ năng lượng tái tạo, hệ số phát thải và phương pháp hạch toán carbon. Khi chưa có sự đồng bộ trong quy định, dù điện có thể chạy qua các biên giới, thị trường vẫn không thể vận hành hiệu quả.

Cụ thể, ý tưởng về Mạng lưới điện ASEAN đã được đề xuất và chính thức hóa từ năm 1997 nhằm tích hợp lưới điện quốc gia thành một hệ thống khu vực, cho phép giao thương năng lượng tái tạo xuyên biên giới quy mô lớn.

Nhưng theo ông Marcus Loh, Chủ tịch Nhóm Quan hệ Công chúng tại Hiệp hội Quan hệ Công chúng và Truyền thông (PRCA) Châu Á - Thái Bình Dương, tiến trình này vẫn còn chậm, bị cản trở bởi sự thiếu nhất quán trong chính sách và các thỏa thuận song phương manh mún. Cốt lõi vấn đề là mô hình thể chế của ASEAN dựa trên nguyên tắc đồng thuận khiến việc hội tụ quy định trở nên phức tạp và kéo dài.

Để khắc phục khoảng trống này, ông Marcus Loh cho biết, một số quốc gia đã chọn cách tiếp cận “đa phương thu nhỏ”, tức là hình thành các nhóm nhỏ có lợi ích chung nhằm giải quyết các thách thức cụ thể. LTMS-PIP là một ví dụ điển hình.

Dự án này không được triển khai dưới khuôn khổ chính thức của ASEAN, mà là một thỏa thuận song phương giữa Singapore và Malaysia, với Thái Lan và Lào đóng vai trò trung chuyển, thành công vì tính thực dụng và phạm vi hẹp.

Tuy nhiên, ngay cả cách tiếp cận đầy hứa hẹn đa phương thu nhỏ cũng có giới hạn. Những chia rẽ địa chính trị trong khu vực tiếp tục cản trở sự hợp tác đa phương rộng lớn hơn - điều cần thiết để nhân rộng và mở rộng quy mô các giải pháp như LTMS-PIP trên toàn ASEAN.

Những tranh chấp kéo dài, từ chia sẻ nguồn nước sông Mekong đến các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông có nguy cơ làm xói mòn lòng tin và làm chậm lại việc phát triển hạ tầng xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các thách thức trong nước cũng cấp bách không kém. Nhiều quốc gia ASEAN vẫn đang vận hành lưới điện lỗi thời, chưa đủ khả năng hấp thụ sự biến động của điện mặt trời và gió ở quy mô lớn. Hơn 3,4 triệu hộ gia đình trong khu vực vẫn chưa được tiếp cận điện, và gần 167 triệu người vẫn chưa có giải pháp nấu ăn sạch.

Ông Loh nhận định: "Chuyển đổi năng lượng không chỉ cần công nghệ và tài chính, mà còn cần sự chính danh rộng rãi trong xã hội. Đây là lúc vai trò của công tác đối ngoại công chúng trở nên thiết yếu". Tương lai năng lượng sạch của ASEAN sẽ phụ thuộc vào những người kết nối, người định hướng và người vận động.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuộc chuyển đổi xanh thành công ở ASEAN có thể bổ sung tới 5,3 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế khu vực và tạo ra tới 66 triệu việc làm mới vào năm 2050. Các công cụ để thực hiện chuyển đổi này đã có sẵn. Nhưng để hiện thực hóa các lợi ích đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cần thể hiện quyết tâm chính trị nhằm gắn kết lợi ích quốc gia với một tương lai tập thể có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo ở ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO