Chiến sự Nga - Ukraine: "Vết nứt" âm ỉ trong liên minh Mỹ- Ukraine

TRƯỜNG ĐẶNG 14/03/2023 04:00

Bất chấp cam kết hỗ trợ “đến khi nào còn cần thiết” dành cho Ukraine, chính quyền Biden đã bắt đầu thấy những "vết gợn" trong cách hành xử của chính quyền Kiev.

Liên minh chặt chẽ Mỹ - Ukraine bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn

Sau hơn một năm chiến sự Nga- Ukraine, Mỹ là quốc gia hậu thuẫn cho Kiev mạnh mẽ nhất. Thế nhưng, giới quan sát đang nhìn thấy những rạn nứt đằng sau mối quan hệ tưởng chừng khăng khít giữa Washington và Kiev.

>>Nhân tố nào giúp Ukraine đối đầu sòng phẳng với Nga?

Thứ nhất, Mỹ đang bất đồng trong cách thức Ukraine tiến hành cuộc chiến. Gần đây nhất, chiến lược cố thủ Bakhmut đã khiến giới chức Washington không hài lòng, với quan điểm Ukraine không nên tất tay cho một địa điểm không có giá trị về mặt chiến lược.

Lực lượng Nga đã bao vây thành phố thuộc tỉnh Donetsk trong suốt 9 tháng. Đây đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến trong những tuần gần đây, với sự tham gia của cả đội quân đánh thuê Wagner. Hai bên đều chịu tổn thất nặng nề trong khi thành phố trở thành một chiến trường đổ nát.

Điều khiến giới chức Mỹ khó chịu là Ukraine từ chối rút lui khỏi thành phố bất chấp cái giá phải trả, trong khi vị trí này khó có thể giúp Kiev thay đổi cục diện trận chiến. Vấn đề nằm ở việc Ukraine đang sử dụng quá nhiều nhân lực và đạn dược – các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tổ chức một cuộc phản công lớn vào mùa xuân.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với tờ Politico: “Tôi chắc chắn không đánh giá thấp nỗ lực to lớn mà các binh sĩ và lãnh đạo Ukraine đã bỏ ra để bảo vệ Bakhmut. Nhưng tôi nghĩ rằng nó mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và tác chiến”.

Khó khăn trong đáp ứng nguồn cung vũ khí và đạn dược đã trở thành cơn đau đầu của Mỹ và châu Âu suốt thời gian qua, khi Ukraine đang tiêu tốn số đạn gấp nhiều lần sức sản xuất của NATO. Trong khi đó, việc gia tăng sản lượng là một thách thức lớn bởi nhiều rào cản về chính trị, công nghệ và chi phí.

Chưa kể, Mỹ và phương Tây thất vọng trước những tuyên bố gần đây của Tổng thống Zelensky rằng mục tiêu của Ukraine không chỉ là đuổi Nga ra khỏi các cứ địa, mà còn lấy lại Crimea – lãnh thổ Nga nắm quyền kiểm soát từ 2014. Ukraine dường như quá tự tin vào hiệu quả của vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ, mặc dù chính giới quân sự Mỹ còn không tin vào khả năng lấy lại Crimea.

Động thái này không chỉ bịt lại con đường đàm phán hòa bình giữa hai bên, mà còn khiến Washington lo sợ đây sẽ trở thành một "lằn ranh đỏ" mới kích động Moscow tiến hành các động thái leo thang phức tạp hơn.

Thứ hai, hai bên đang bắt đầu nảy sinh khúc mắc xung quanh việc cấp vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, Mỹ là quốc gia gửi nhiều vũ khí và trang thiết bị nhất cho Ukraine, nhưng Kiev luôn mong chờ những đợt tiếp tế tiếp theo lớn hơn. Hai quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với tờ Politico rằng, Washington không hài lòng việc Kiev không thể hiện lòng biết ơn phù hợp khi liên tục đòi hỏi, đôi khi một cách quá đáng.

Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng chính quyền, đặc biệt là Hội đồng An ninh Quốc gia, đang chia rẽ” về việc gửi loại vũ khí nào cho Ukraine.

Ukraine đòi hỏi ATACMS - một vũ khí chiến lược mà Mỹ chưa sẵn sàng

Ukraine đòi hỏi ATACMS - một vũ khí chiến lược mà Mỹ chưa sẵn sàng

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine trước nguy cơ thiếu hụt đạn pháo

Đòi hỏi của Ukraine về tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ đã trở nên phi lý, khi bản thân Washington không có nhiều loại tên lửa chiến lược này trong kho. Đồng thời, Nhà Trắng lo ngại rằng Ukraine có thể làm leo thang căng thẳng với Moscow khi sử dụng tên lửa này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ngay trong nội bộ chính trường Mỹ cũng chia rẽ về giải pháp cho vấn đề Ukraine. Một số chính khách còn tỏ rõ sự khó chịu với Tổng thống Zelensky. Điển hình như Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ không cung cấp một “khoản tiền vô hạn” cho Ukraine và từ chối lời mời đến Kiev của ông Zelensky.

Cuối cùng, chính quyền Mỹ đang nghiên cứu những thông tin chưa xác thực về sự liên quan của Ukraine đến vụ phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái.

Các phóng viên tờ New York Times đã tiếp cận được một số thông tin tình báo Mỹ, trong đó bác bỏ giả thuyết Nga chủ mưu cho vụ đánh bom này. Không chỉ vậy, tài liệu còn cho rằng “một nhóm thân Ukraine” chịu trách nhiệm cho vấn đề này.

Mặc dù không có nhiều khả năng chính quyền của ông Zelensky đứng đằng sau, nhưng vụ việc trên đã khiến Washington phải cảnh giác và báo hiệu cho Kiev không được cổ súy cho hành động bạo lực bên ngoài biên giới – như vụ đánh bom xe ở Moscow đã giết chết con gái của triết gia Alexander Dugin, một nhà tư tưởng lớn của Tổng thống Nga V.Putin.  

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của những bất đồng, đồng thời cho rằng sự đoàn kết Mỹ - Ukraine vẫn vững chắc.

Bà Shelby Magid, Phó giám đốc Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Tôi thấy những rạn nứt nhỏ, nhưng những rạn nứt đó đã tồn tại với những điểm bất đồng và quan điểm khác nhau giữa Mỹ và Ukraine ngay cả trước cuộc xâm lược lớn vào tháng 02/2022 và sau đó”.

Mặc dù đa số các chuyên gia tỏ ý lạc quan về những bất đồng giữa Mỹ và Ukraine, nhưng sự kiên nhẫn của Washington đối với Kiev sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của chính quyền Tổng thống Zelensky. Sự mâu thuẫn về mục tiêu giữa Ukraine với Mỹ và phương Tây có thể trở thành vết nứt lớn nếu hai bên không có giải pháp thỏa hiệp phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân tố nào giúp Ukraine đối đầu sòng phẳng với Nga?

    Nhân tố nào giúp Ukraine đối đầu sòng phẳng với Nga?

    04:00, 05/03/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine trước nguy cơ thiếu hụt đạn pháo

    Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine trước nguy cơ thiếu hụt đạn pháo

    04:00, 02/03/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Sắp có màn đọ vũ khí tối tân

    Chiến sự Nga - Ukraine: Sắp có màn đọ vũ khí tối tân

    04:30, 09/03/2023

  • Tại sao Nga muốn kéo dài chiến sự Nga - Ukraine?

    Tại sao Nga muốn kéo dài chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 10/03/2023

TRƯỜNG ĐẶNG