NATO có "vấp ngã" trước cuộc đại cải tổ?

TRƯỜNG ĐẶNG 20/03/2023 04:00

Kế hoạch cải tổ của NATO nhằm gia tăng năng lực an ninh để đối phó với Nga đang vấp phải những khó khăn ngay từ khi chưa bắt đầu.

Khối NATO đang đứng trước những bước ngoặt đầy thách thức trong cuộc cải tổ

Khối NATO đang đứng trước những bước ngoặt đầy thách thức trong cuộc cải tổ

Kể từ sau hội nghị an ninh Munich vừa qua, nhiều quốc gia sườn Đông châu Âu đã cảm thấy yên tâm hơn trước kế hoạch tăng cường năng lực an ninh của khối NATO – một động thái phòng ngừa trước thái độ ngày càng cứng rắn của Nga. Dù chưa đi đến hiện thực, chương trình này đã sớm bộc lộ nhiều mâu thuẫn.

Mù mờ về mức đóng góp

Trước hết, rào cản đến từ việc NATO vẫn chưa xác định được ai đóng góp gì và như thế nào? Trong tháng này, NATO dự kiến sẽ đẩy nhanh nỗ lực dự trữ trang thiết bị dọc các nước thuộc phòng tuyến phía Đông, cũng như nâng quy mô lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên gấp nhiều lần trong trường hợp khẩn cấp.

>>Ý tưởng "NATO không Mỹ" ở châu Âu có khả thi?

Tuy kế hoạch là vậy, nhưng NATO vẫn chưa quyết định được sẽ thuyết phục từng quốc gia đóng góp vào từng yếu tố khác nhau như thế nào. Binh lính, đào tạo, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là số lượng lớn vũ khí, thiết bị và đạn dược đắt tiền sẽ là bài toán khó cho các nước thành viên NATO vốn không phát triển đồng đều về mặt kinh tế và quân sự.

Ông James J. Townsend, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Âu, ví von chính sách của NATO giống như “ai đó tổ chức một bữa tiệc mà không bảo mọi người nên mang theo thứ gì”. Do đó, ông Townsend cho rằng các nước thành viên NATO sẽ lựa chọn những đóng góp ít giá trị nhất có thể, và điều đó sẽ xói mòn mục tiêu chung của chiến lược này.

Nhu cầu đạn dược và khí tài của Châu Âu đã tăng vọt do chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang căng thẳng. Việc ưu tiên bổ sung cho Ukraine trang thiết bị lấy từ kho vũ khí của các nước thành viên chắc chắn sẽ khiến nhiều thành viên NATO không thể giữ đúng lời hứa đóng góp cho các kế hoạch mới của liên minh.

Bất chấp Mỹ và EU đang lên kế hoạch nhằm tăng cường sản xuất thêm vũ khí thì quá trình bổ sung chắc chắn sẽ mất không ít thời gian bởi độ phức tạp của chuỗi cung ứng và tìm kiếm sự đồng thuận về chính trị nội bộ các nước.

Khó khăn trong huy động quân đội

Tổ chức lại đội quân xuyên quốc gia cũng vấp phải nhiều rào cản. Theo kế hoạch dự tính, NATO sẽ cải thiện khả năng huy động quân đội để ứng phó với các tình huống bị tấn công bất ngờ. Theo đó, liên minh sẽ cần chuẩn bị khoảng 300.000 binh lính NATO để sẵn sàng điều động trong thời gian ngắn.

Một quan chức quân sự cấp cao của NATO cho biết khối sẽ cần có lực lượng đủ mạnh để chống lại một nước Nga quyết đoán hơn như hiện nay, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có “số lượng lớn hơn” và “sẵn sàng hơn”.

Yếu tố “sẵn sàng” mà NATO đề cập đến bao gồm nhiều cấp. Cấp đầu tiên là khoảng 100.000 binh lính có khả năng di chuyển dọc phòng tuyến phía Đông trong vòng 10 ngày - từ Ba Lan, Na Uy và các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia và Litva). Cấp độ 2 – lực lượng tiếp ứng cho đợt đầu – sẽ được triển khai từ các quốc gia xa hơn như Đức trong khoảng 10-30 ngày.

Thế nhưng trong thực tế, quá trình này đang trở nên phức tạp. Trước hết, việc di chuyển một lực lượng đông đảo trong thời gian quá nhanh đòi hỏi rất nhiều nhân lực, vật lực và đào tạo. Điều đó đồng nghĩa với một khoản chi phí khổng lồ. Ngoài ra, quân đội các nước thành viên NATO sẽ phải tăng cường chương trình tuyển dụng, đồng nghĩa với các nước phải gia tăng chi tiêu quốc phòng để trả lương, mua thêm vũ khí, đạn dược và các thiết bị khác.

Không chỉ vậy, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng vô cùng tốn kém. Ông Ben Hodges, một cựu chỉ huy của quân đội Mỹ tại Châu Âu, nói rằng "sẵn sàng" về cơ bản là có tất cả những thứ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ được giao – bao gồm cả tính sẵn sàng chiến đấu.

Huy động thêm binh lính sẽ đem lại nhiều gánh nặng kinh tế cho các thành viên NATO

Huy động thêm binh lính sẽ đem lại nhiều gánh nặng kinh tế cho các thành viên NATO

>>Những toan tính của NATO trong chiến sự Nga - Ukraine

“Một tiểu đoàn pháo binh cần bắn một số lượng đạn nhất định mỗi năm để duy trì mức độ thành thạo. Một tiểu đoàn xe tăng cần tấn công mục tiêu, phản ứng với các tình huống khác nhau và thể hiện khả năng di chuyển thành thạo, cả ngày lẫn đêm, đánh trúng các mục tiêu đang di chuyển”, ông Hodges nói, chỉ ra rằng riêng việc huấn luyện bổ sung sẽ ngốn rất nhiều tiền của và thời gian.

Chi phí khổng lồ sẽ là bài kiểm tra về ý chí thống nhất của các thành viên NATO đối với kế hoạch này. Năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết dành 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng trong vòng một thập kỷ, nhưng con số này hiện không còn đủ đáp ứng mức chi tiêu mới.

Một quan chức cấp cao của NATO thừa nhận với Politico: “mức sàn 2% dường như là trọng tâm trong cuộc tranh luận vào lúc này, nhưng con số này sẽ không đủ cho tất cả mọi người”.

Tại hội nghị thượng đỉnh của khối sẽ tổ chức vào tháng 7 năm nay, kế hoạch chi tiết sẽ được các quốc gia thống nhất. Đây sẽ được coi là phép thử lớn đối với tính thống nhất và mức độ nghiêm túc của NATO trước nguy cơ từ Nga.

Có thể bạn quan tâm

  • Hòa đàm Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ cần vai trò Trung Quốc?

    Hòa đàm Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ cần vai trò Trung Quốc?

    04:00, 18/03/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine:

    Chiến sự Nga - Ukraine: "Vết nứt" âm ỉ trong liên minh Mỹ- Ukraine

    04:00, 14/03/2023

  • Vì sao Bakhmut quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine?

    Vì sao Bakhmut quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 11/03/2023

  • Tại sao Nga muốn kéo dài chiến sự Nga - Ukraine?

    Tại sao Nga muốn kéo dài chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 10/03/2023

TRƯỜNG ĐẶNG