Chiến sự Nga - Ukraine: Tại sao pháo binh Nga đảm nhiệm chính trên chiến trường?
Trung bình một ngày Nga nã đến 20.000 quả đạn pháo các loại, gây ra 60% thương vong cho lực lượng quân sự của Ukraine.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Khó khuất phục Nga bằng chiến tranh kinh tế
Không ít người có thắc mắc vì sao Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo phương thức chiến tranh cổ điển “tiền pháo, hậu xung”, sử dụng nhiều pháo các loại, phối hợp cùng xe tăng, thiết giáp, bộ binh đánh lấn từng phần?
Trung bình một ngày Nga nã đến 20.000 quả đạn pháo các loại, gây ra 60% thương vong cho lực lượng quân sự của Ukraine. Nga đã sử dụng đủ loại pháo từ thông thường cho đến nhiệt áp TOS -1 A, cả cối tự hành khổng lồ 240 mm “hoa tuy líp”. Binh lính Ukraine bị khủng bố bởi pháo bắn rền rĩ đêm ngày, không thể ra khỏi chiến hào ẩm ướt lạnh giá hay tiến hành các cuộc phản công.
Nga có lực lượng không quân với đầy đủ biên chế máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu - 160 Thiên Nga Trắng, các loại tiêm kích đa nhiệm Su, Mic, trực thăng tấn công như Ka-52, nhưng không hỗ trợ được nhiều cho bộ binh bởi các lý do dưới đây, cho nên pháo vẫn là hữu hiệu và rẻ tiền nhất.
Nga không phải là đối thủ của Mỹ về không quân và hải quân, Mỹ có hạm đội tàu sân bay trên khắp các đại dương, số lượng máy bay chiến đấu hiện đại, trình độ phi công Mỹ là mạnh nhất thế giới, có thể triển khai tấn công phủ đầu đánh sập tiềm lực quốc phòng hay hệ thống hạ tầng của bất kỳ quốc gia nào trên trái đất. Do vậy, Nga chọn cách cân bằng phi đối xứng tập trung vào phát triển công nghệ tên lửa, hệ thống phòng không và vũ khí hạt nhân làm đối trọng với sức mạnh của Mỹ, do chi phí quốc phòng của Nga chưa bằng 1/10 chi phí quốc phòng của Mỹ (60 tỷ USD/800 tỷ USD một năm).
Trở lại cuộc chiến tại Ukraine, có thể nói nền công nghiệp quốc phòng cùng vũ khí thiết bị của Ukraine cơ bản bị Nga phá huỷ từ tháng 3 năm 2022. Ukraine phải nhờ vào vũ khí, phương tiện, hậu cần, tình báo từ Mỹ - NATO. Vũ khí được cung cấp hết sức chất lượng, bằng chứng là tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ tiêu diệt không ít tăng và thiết giáp của Nga.
Tiếp đến là hệ thống phòng không linh hoạt và hiệu quả. Nếu Nga sử dụng trực thăng tấn công với độ cao dưới 5 km, thì các tên lửa vác vai di động (MANPAB) Stinger sẽ tiêu diệt trước khi kịp hỗ trợ bắn phá yểm trợ bộ binh. Máy bay phản lực, cường kích tiêm kích của Nga bị theo dõi chặt chẽ bởi hệ thống vệ tinh, thông tin tình báo cũng như máy bay cảnh báo sớm từ xa của Mỹ - NATO. Sau đó thông tin sẽ được chuyển cho hệ thống phòng không của Ukraine để xử lý, đón lõng và phục kích máy bay Nga. Nhiều máy bay dính bẫy bị hạ gây thiệt hại cho không quân Nga - lực lượng được xây dựng để đối đầu Mỹ - NATO chứ không phải là Ukraine.
Gần đây, không còn hình ảnh hay đoạn phim nào quay cảnh máy bay ném bom của Nga bay thấp trên bầu trời của Ukraine như hai tuần đầu trong chiến dịch, mà máy bay chỉ đứng ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine phóng tên lửa vào mục tiêu trong hậu phương Ukraine. Do không quân Ukraine dùng chiến thuật “đánh rồi chạy", tận dụng lợi thế về địa lý, sự cơ động cũng như sự hiệu quả của hệ thống vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm của Mỹ - NATO để lẩn trốn sự săn đuổi của tên lửa, máy bay Nga.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Quyền kết thúc xung đột thuộc về ai?
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Nga đang dần rút khỏi Bakhmut?
>>Chiến sự Nga- Ukraine: "Nước cờ" bất ngờ của Nhật Bản
Tên lửa Nga có độ chính xác cao, nhưng giá đắt đỏ, sức công phá lại không lớn cũng như bị đánh chặn (ngoại trừ loại tên lửa siêu thanh như Kinzhal), nên Nga phải để dành cho mục tiêu có giá trị. Do đó, mỗi lần tấn công tên lửa Nga phải tấn công nhiều loại, nhiều hướng, sử dụng tên lửa giả, UAV rẻ tiền để vừa tấn công vừa nhử bẫy cho hệ thống phòng không của Ukraine lộ diện để lực lượng hàng không Nga tìm và diệt.
Trên chiến trường thực địa, Nga cấp máy bay cho lực lượng quân sự tư nhân Wagner dùng các phi công nghỉ hưu tấn công hỗ trợ mặt đất, dùng các loại bom lượn để chế áp trên không từ khoảng cách 60 -70 km ngoài tầm khống chế tầm trung và ngắn của phòng không Ukraine.
Không quân và hải quân của Nga cũng không mạnh như Mỹ để tiến hành tập kích từ hướng biển. Hạm đội của Nga chủ yếu là tàu nhỏ hoạt động gần bờ trang bị tên lửa mạnh để đẩy hạm đội kẻ địch ra xa. Trong khi Ukraine có những đòn đánh cực kỳ hiệu quả như khi lợi dụng thời tiết xấu sử dụng UAV gây nhiễu nghi binh, rồi dùng hai tên lửa đất đối hạm đánh gục soái hạm Moskva của Nga. Chiến lược này khiến cả hạm đội Nga phải rút khỏi biển Đen, rút bỏ cả vị trí đầu cầu tấn công thuận lợi là đảo Rắn. Nga không có tàu sân bay đúng nghĩa để xuất kích tấn công từ phía biển Đen mà chỉ dùng tên lửa từ tàu nổi và tàu ngầm để tập kích các mục tiêu phía sâu nội địa Ukraine.
Đối đầu với hệ thống vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm, hệ thống phòng không tinh vi hiệu quả cùng các bộ não quân sự chỉ huy lão luyện của Mỹ - NATO- Ukraine, không quân Nga chưa hề kiểm soát tuyệt đối được trên không. Hai bên vẫn ở thế rình rập chờ sơ hở của nhau. Do vậy pháo binh là lựa chọn tối ưu của Nga cho chiến trường Ukraine, cho dù khi tấn công bằng pháo binh vào khu vực nào là khu đó thành một đống đổ nát, hoang tàn, chỉ có thể xây dựng lại, chứ không thể khôi phục.
Chiến sự Nga- Ukraine vẫn đang có các bước leo thang mới khi Anh cung cấp đạn chứa Uranium nghèo cho Ukraine, còn Nga tiến hành đặt căn cứ tên lửa hạt nhân trên địa bàn của Belarus. Châu Âu đang hỗn loạn với các cuộc biểu tình, hệ thống ngân hàng của Mỹ cũng đang chao đảo. Có khả năng những viên đạn pháo tại Ukraine là tiếng nổ báo hiệu sự sụp đổ của trật tự thế giới cũ và một thế giới đa cực đang dần hiển hiện thành hình.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Khó khuất phục Nga bằng chiến tranh kinh tế
04:30, 29/03/2023
Chiến sự Nga - Ukraine và những vấn đề toàn cầu mới (Bài II)
04:30, 28/03/2023
Chiến sự Nga - Ukraine và những vấn đề toàn cầu mới (Bài I)
04:30, 27/03/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Quyền kết thúc xung đột thuộc về ai?
03:39, 27/03/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Nga đang dần rút khỏi Bakhmut?
03:30, 25/03/2023