NATO "xoay trục" đối đầu Trung Quốc ở châu Á- Thái Bình Dương?

TRƯỜNG ĐẶNG 03/04/2023 04:00

Nhiều chuyên gia cho rằng, mối quan ngại của NATO tại châu Á – Thái Bình Dương không còn là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, mà giờ đây đã xoay sang Trung Quốc.

Mỹ và NATO ngày càng quan ngại về Trung Quốc

Mỹ và NATO ngày càng quan ngại về Trung Quốc

Lo ngại đang gia tăng của NATO

Ngày 30/3 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi cần có các “chính sách cơ bắp” hơn để ứng phó với một Trung Quốc đang nhăm nhe "thay đổi trật tự thế giới một cách có hệ thống", trong đó đặt Bắc Kinh ở vị trí trung tâm.

>>Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

Tuyên bố này đã phơi bày một nỗi lo trong lòng EU và NATO: sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến một loạt các vấn đề an ninh và lợi ích của châu lục.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng năng lực quân sự ra nước ngoài, nâng cao khả năng tấn công mạng hay tiếp tục củng cố quyền kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu. Mọi chuyện càng trở nên cấp bách hơn, khi chỉ riêng sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho Nga trong xung đột với Ukraine cũng có thể khiến nỗ lực viện trợ của NATO cho Kiev có thể trở nên vô nghĩa.

Chuyên gia Bill Hayton của chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Chatham, nhận định: “Mặc dù sự thay đổi này không có nghĩa là NATO sẽ mở rộng hoạt động sang Châu Á- Thái Bình Dương nhưng nó cho thấy 30 thành viên của khối đang thực sự quan ngại trước mối đe dọa an ninh từ châu Á- Thái Bình Dương có thể mở rộng sang châu Âu và Bắc Mỹ”.

Vào năm ngoái, lần đầu tiên NATO liệt kê Bắc Kinh là một thách thức an ninh trong “Khái niệm Chiến lược Mới”. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã thừa nhận lo ngại về khả năng tên lửa của Trung Quốc có thể vươn tới tất cả các nước đồng minh NATO; hay ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh ở khắp nơi trên thế giới.

“Chúng tôi thấy sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực, ở Châu Phi, thấy họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu. Và họ đang hợp tác ngày càng nhiều hơn với Nga. Tất cả những điều này có hậu quả an ninh cho các đồng minh NATO”, ông Stolenberg nói.

Các đối tác Châu Á - Thái Bình Dương là "chìa khóa"

Thế nhưng rõ ràng hiện tại NATO khó có thể làm gì nhiều để đơn phương giải quyết các lo ngại.

Thứ nhất, NATO không thể mở rộng phạm vi phòng thủ chung sang châu Á-Thái Bình Dương. Văn bản hiệp ước giới hạn vai trò của liên minh trong “khu vực Bắc Đại Tây Dương”, có nghĩa NATO sẽ không kết nạp bất kỳ thành viên nào từ châu Á hoặc thực hiện bất kỳ cam kết nào để bảo vệ các nước châu Á.

Thứ hai, cả Mỹ và EU đều đang loay hoay trong nỗ lực giúp Kiev sớm kết thúc chiến sự Nga- Ukraine với các kết quả có lợi. Triển vọng hòa đàm giữa Nga và Ukraine vẫn mù mờ dù NATO đã đổ không ít tiền của và công sức. Sự tham gia mới đây của Trung Quốc cũng khó thay đổi tình thế hoà đàm Nga- Ukraine trong một sớm một chiều.

Trong bối cảnh đó, tăng cường hợp tác với các “đối tác” ở Châu Á – Thái Bình Dương có thể là một giải pháp hữu hiệu cho NATO.

NATO có thể trông cậy vào năng lực an ninh của các đối tác châu Á - Thái Bình Dương?

NATO có thể trông cậy vào năng lực an ninh của các đối tác châu Á - Thái Bình Dương?

Chuyến thăm đầu tháng 2/2023 của Tổng Thư ký NATO đến Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những sự kiện mới nhất trong hợp tác an ninh ngoài biên giới châu Âu của khối. Sự gia tăng hợp tác thực tế đã được thể chế hóa vào tháng 12/2016 khi NATO tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên với bốn “đối tác” Châu Á-Thái Bình Dương (Nhật, Hàn, Úc, New Zealand) tại Brussels.

Vai trò của từng mắt xích trong khu vực được gia tăng có thể giúp NATO thực hiện mục tiêu kiềm chế Trung Quốc mà không cần sự hiện diện trực tiếp. Chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nhật Bản đến Ukraine có thể là một ví dụ cho thấy các đối tác của NATO đang khẩn trương hơn trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

>>Châu Âu tìm cách "thoát" Trung Quốc trong năng lượng mặt trời

Bên cạnh đó, NATO hoàn toàn có thể mở rộng ảnh hưởng an ninh thông qua các nỗ lực của từng thành viên trong khối. Theo thống kê năm 2021, đã có khoảng 21 tàu chiến của các thành viên NATO thực hiện các nhiệm vụ hải quân khác nhau trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chưa bao gồm các tàu của Mỹ. Nhiều nước đã cam kết gia tăng các hoạt động tập trận trong tương lai.

Một loạt các sáng kiến an ninh mới của Mỹ cũng được đưa ra thu hút sự chú ý của các quốc gia trong khu vực. Mới đây nhất là hợp tác chia sẻ công nghệ tàu ngầm chiến lược AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc. Hay nhóm bộ Tứ (QUAD) gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, cùng chia sẻ tầm nhìn về một Trung Quốc ngày càng quyết liệt.

Như vậy có thể thấy, NATO đang cùng Mỹ triển khai những động thái mạnh mẽ hơn nhằm đối trọng với quyền lực đang lên của Bắc Kinh. Việc Phần Lan chuẩn bị là thành viên tiếp theo của khối cũng sẽ là một bước đi tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp trong tương lai cho cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Phần Lan gia nhập NATO:

    Phần Lan gia nhập NATO: "Nước cờ" nguy hiểm với Nga?

    04:00, 02/04/2023

  • NATO có

    NATO có "vấp ngã" trước cuộc đại cải tổ?

    04:00, 20/03/2023

  • Ý tưởng

    Ý tưởng "NATO không Mỹ" ở châu Âu có khả thi?

    04:30, 04/03/2023

  • Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

    Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

    04:00, 30/03/2023

TRƯỜNG ĐẶNG