Ý tưởng "NATO không Mỹ" ở châu Âu có khả thi?

Diendandoanhnghiep.vn Với tuyên bố Châu Âu không cần Mỹ để bảo đảm an ninh cho khu vực, Thủ tướng Hungary lại tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi trong lòng EU.

Một

Một "NATO không Mỹ" theo đề xuất của Thủ tướng Hungary khó trở thành hiện thực.

>> Đối phó với Nga, NATO đứng trước thách thức mới

Vừa qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban trả lời tuần báo Weltwoche (Thụy Sĩ), nói rằng châu Âu cần một khối quân sự của riêng mình, một nơi không chịu sự ảnh hưởng của Mỹ. “Giải pháp sẽ là một NATO của riêng châu Âu”, ông Orban cho biết.

Nhà lãnh đạo Hungary đã chỉ trích Mỹ kéo châu Âu vào một cuộc xung đột “không thể thắng” có nguy cơ dẫn đến chiến tranh toàn cầu. Theo ông, chính tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Ông tuyên bố: “Ông Putin nói với tôi rằng vấn đề của Nga liên quan đến các căn cứ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania, cũng như khả năng NATO mở rộng ở Ukraine và Georgia”.

Tuyên bố gây tranh cãi của ông Orban nêu bật lên sự chia rẽ của NATO xung quanh nhiều vấn đề: từ chiến sự Nga – Ukraine, đến khả năng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, hay sự độc lập khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Thế nhưng một NATO không có sự hiện diện của Mỹ liệu có thể thành hiện thực?

Mong muốn âm ỉ của EU?

Phát biểu của ông Viktor Orban không phải là một phát biểu nhất thời, tiếng nói của Hungary có thể đã đại diện cho một suy nghĩ đang âm ỉ trong lòng châu Âu về khả năng tách ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề an ninh.

Kể từ sau thế chiến thứ II, tâm lý chung ở các nước châu Âu là Liên Xô cũ (sau này là Nga) chính là mối đe dọa an ninh lớn nhất của khu vực. Sức mạnh quân sự đã được minh chứng trong lịch sử, năng lực hạt nhân và nền khoa học quân sự tiên tiến luôn khiến Nga trở thành lý do tồn tại chính của khối NATO.

Thế nhưng, chiến sự Nga- Ukraine đã phơi bày một khả năng: châu Âu có thể tự bảo vệ chính mình khỏi các thách thức từ Nga.

Mặc dù được xem là một trong những đội quân tinh nhuệ nhất thế giới, lực lượng Nga đã bộc lộ những yếu điểm về tổ chức và vận hành trong một cuộc xung đột dài hơi. Hơn 1.600 xe tăng, 1.900 xe chiến đấu bộ binh và 290 xe bọc thép chở quân của Nga đã bị thiệt hại trước các đòn phản công của Ukraine với hỗ trợ vũ khí hạng nhẹ của Mỹ và đồng minh. Con số này có thể đã lớn hơn nếu Kiev được tiếp cận các khí tài hạng nặng như xe tăng hay máy bay hiện đại.

Không chỉ vậy, nền kinh tế Nga đã bị tiêu hao ở mức độ khủng khiếp cho cuộc chiến này. Dầu thô bị thắt chặt bởi các lệnh trừng phạt đã phải chuyển hướng sang các thị trường, như châu Á...., nhưng Nga phải chiết khấu sâu để các nước này tiếp nhận nguồn dầu mỏ.

Trước chiến sự Nga- Ukraine, GDP của Nga khoảng 1,8 nghìn tỷ USD - chỉ bằng 1/10 so với EU - và con số đó chắc chắn đã sụt giảm rất nhiều cho tới thời điểm hiện nay và sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. Ngoài tổn thất vật chất, hàng trăm nghìn lính nghĩa vụ được điều động ra chiến trường sẽ tác động lớn đến lực lượng lao động chính yếu của nền kinh tế.

Ý tưởng khó thành hiện thực

Tuy nhiên, thực tế vẫn quá khó để châu Âu có thể thành lập một liên minh độc lập, với lực cản lớn nhất chính là Hoa Kỳ. 

Kể từ sau thế chiến II, các chính quyền Mỹ đã luôn tìm cách duy trì quyền lãnh đạo đối với châu Âu, và họ luôn phản đối bất kỳ bước đi nào của châu lục này tiến tới khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực phòng thủ.

Nhóm chuyên gia của viện Brookings, gồm Hans Binnendijk, Daniel S. Hamilton, và Alexander Vershbow, mô tả mâu thuẫn giữa hai bên: “Châu Âu muốn có quyền tự trị mà không phải đóng góp thêm nguồn lực quốc phòng, trong khi Mỹ muốn Châu Âu đóng góp thêm mà không làm giảm ảnh hưởng chính trị của NATO và Mỹ”.

>> NATO+1 sẽ là lối thoát cho chiến sự Nga- Ukraine?

Ý tưởng về việc châu Âu phát triển khả năng quân sự tự cung tự cấp bên ngoài NATO do Mỹ thống trị từ lâu đã không được ưa chuộng ở Washington. Năm 1998, Hoa Kỳ đã bác bỏ sáng kiến của Anh – Pháp nhằm tăng cường hiệu quả quân sự của EU, hay một nỗ lực khác thúc đẩy phát triển chung vũ khí châu Âu năm 2018.

Trong bài phát biểu cuối cùng trước các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tháng 12/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, William Cohen, đã cảnh báo rằng NATO “có thể trở thành phế tích” nếu EU xây dựng cái mà ông gọi là “một tổ chức quốc phòng thừa thãi và cạnh tranh (với chính NATO)”. 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi thành lập một liên minh quân sự châu Âu độc lập khỏi Mỹ

Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi thành lập một liên minh quân sự châu Âu độc lập khỏi Mỹ

Ngoài ra, Hungary không phải là một tiếng nói có trọng lượng tại EU và NATO. Thậm chí, quốc gia này còn bị xem là mắt xích yếu nhất trong các kế hoạch hỗ trợ Ukraine hay mở rộng khối NATO. Truyền thông phương Tây đã mô tả Thủ tướng Viktor Orban là “người gây rắc rối” xung quanh việc ông này có động thái thân Nga, ủng hộ đề xuất hòa bình của Trung Quốc, hay trì hoãn thông qua các đợt viện trợ của EU cho Ukraine vào năm ngoái.

Chưa kể, lợi ích kinh tế là không phải bàn cãi. Nếu có một siêu cường cung cấp các nguồn lực tiền của và vũ khí để bảo vệ mình từ bên ngoài, trong khi chỉ phải chi tiêu ít hơn, thì không có lý do gì để các nước châu Âu phải từ bỏ điều đó.

Các chuyên gia cho rằng, sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với EU đã bám rễ sâu xa trong tư tưởng của nhiều thế hệ lãnh đạo hai bên kể từ khi NATO thành lập. Mặc dù vậy, việc thành lập một liên minh an ninh độc lập với Mỹ không phải là không thể. Tuy nhiên, điều này sẽ cần một tư duy đột phá của tất cả các lãnh đạo thành viên EU. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ý tưởng "NATO không Mỹ" ở châu Âu có khả thi? tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711697823 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711697823 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10