Các cường quốc châu Âu đề xuất khối NATO sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine trong trường hợp hòa đàm với Nga thành công. Vậy NATO+1 có giúp kết thúc chiến sự Nga- Ukraine?
>>Những toan tính của NATO trong chiến sự Nga - Ukraine
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden đích thân đến Ukraine trong chuyến thăm được giữ bí mật đến phút cuối cùng, ông chủ Nhà trắng tiếp tục phát đi thông điệp mạnh mẽ ủng hộ Ukraine đi đến tận cùng chiến sự Nga- Ukraine.
Viễn cảnh này chắc chắn thúc đẩy quân đội Tổng thống Zelensky tăng cường tấn công đẩy lùi quân Nga khỏi miền Đông Ukraine. Không nhiều người tin rằng chiến sự Nga- Ukraine sẽ kết thúc với phần chiến bại thuộc về Tổng thống Putin.
Do vậy, ngày 25/2, lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức đề xuất cơ chế phòng thủ giữa NATO và Ukraine (NATO+1), mở đường đến bàn đàm phán Nga- Ukraine. Tác giả của NATO+1 là Thủ tướng Anh, Rishi Sunak - cho phép Ukraine tiếp cận đa dạng hơn các loại thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược tiên tiến để tự vệ sau khi chiến sự Nga- Ukraine kết thúc.
Một nhà ngoại giao ở Paris lập luận: “Chúng ta cứ nói đi nói lại rằng Nga không được thắng, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Nếu chiến sự Nga- Ukraine tiếp diễn đủ lâu với cường độ như thế này, tổn thất của Ukraine sẽ trở thành chuyện không thể chịu nổi. Và không ai tin rằng họ sẽ có thể lấy lại Crimea”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp đầu tháng này ở Điện Elysee, rằng: “ông cần bắt đầu xem xét việc đàm phán hòa bình với Moscow”.
Hôm 27/2, Bild, tờ báo uy tín ở Đức đưa tin, phương Tây đang xem xét áp hạn chót với Ukraine về đàm phán với Moscow. Tờ này nhận định: “nếu cuộc phản kích của Ukraine thất bại, áp lực buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán tăng lên”.
Đề xuất của khối Tây Âu là bước ngoặt quan trọng có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga- Ukraine, bởi vì các nước này đóng góp một phần lớn thiết bị, khí tài, tiền bạc giúp Ukraine trụ vững hơn 1 năm xảy ra xung đột.
Quan trọng hơn nữa, châu Âu đóng vai trò như vùng hậu cần cho hàng chục triệu người Ukraine di tản, tị nạn; là vùng đệm giúp lực lượng NATO thường trực theo dõi mọi diễn biến trên chiến trường Ukraine.
Có thể nói rằng, nếu châu Âu không còn quyết tâm chống Nga thì nỗ lực của Mỹ không còn nhiều ý nghĩa, bởi nguyên tắc “nước xa không cứu được lửa gần”. Có vẻ như phương Tây đang chia rẽ, ý tưởng của Anh, Pháp và Đức không phù hợp lắm với chuyến thăm bất thình lình của ông Joe Biden (!?).
Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến phương thức giúp Ukraine phòng ngừa rủi ro trong tương lai, phương Tây chưa có giải pháp nào để Moscow và Kiev đi đến thống nhất quan điểm về lãnh thổ.
Sự chiếm đóng của quân Nga ở miền Đông Ukraine là hiện tượng bất hợp lý với Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể trở thành “Crimea thứ hai” tiềm ẩn xung đột dai dẳng.
Nếu Kiev chấp nhận nhượng bộ, nghĩa là nỗ lực hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây đổ sông đổ bể, vì ông Putin chắc chắn không chỉ muốn Lugansk và Donetsk. Hơn nữa, để Ukraine rơi vào tay NATO sẽ làm chệch mục tiêu ban đầu - “phi quân sự hóa” của Điện Kremlin.
Chính thể ông Zelensky quả thực không có nhiều chọn lựa một khi phương Tây cắt dần viện trợ; trường hợp Ukraine thất thủ thì toàn bộ châu Âu khó yên ổn. Một chiến thắng hoành tráng như vậy thổi bùng lòng tự tôn đại cường của ông Putin.
Như nhận định ban đầu, đây là cuộc chơi của những cường quốc phương Tây mà Ukraine chỉ là bên thừa hành nhiệm vụ. Giờ đây, các bên nắm quyền hành thực sự dường như muốn kết thúc trò chơi?
Có thể bạn quan tâm