NATO tìm kiếm điều gì tại châu Á?

CẨM ANH 31/01/2023 14:38

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến Seoul- điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Jens Stoltenberg nhằm tăng cường mối quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản.

>>Ukraine xin gia nhập NATO, Nga sẽ trực diện đấu với NATO?

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg (trái) nói chuyện với Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin ở Seoul ngày 29-1. Ảnh: YONHAP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin ở Seoul ngày 29/1. Ảnh: YONHAP

Được biết, ông Stoltenberg đã tới Hàn Quốc, nơi ông có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk-yeol cùng các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Park Jin và Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-Sup.

Yonhap dẫn lời bà Kim Eun-hye, Thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết, các nội dung chính được ông Yoon thảo luận với Tổng thư ký NATO gồm mối quan hệ song phương, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc và tình hình Triều Tiên.

Sau đó, ông Stolenberg tới Tokyo để tham gia vào các cuộc họp theo lịch trình với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các quan chức Nhật Bản khác.

"Những gì xảy ra ở châu Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rất quan trọng đối với châu Âu và NATO, và ngược lại", Tổng thư ký NATO nói trong cuộc phỏng vấn với Yonhap. Theo ông Stoltenberg, mặc dù NATO sẽ vẫn tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng các thành viên của tổ chức này bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trên toàn cầu.

"Những gì xảy ra ở châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều quan trọng đối với châu Âu, NATO và ngược lại… Chúng ta cần giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, bao gồm những thách thức đến từ Trung Quốc, bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Tương tự, Tổng Thư ký NATO khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine đang diễn ra. "Cuộc chiến ở Ukraine quan trọng đối với tất cả chúng ta, do đó chúng tôi cũng rất biết ơn về sự hỗ trợ của Nhật Bản", ông Stoltenberg nói trong một bài phát biểu ngắn sau khi tới thăm căn cứ Không quân Iruma của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. 

Theo ông Jim Townsend, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định chuyến công du châu Á của ông Stoltenberg là một trong những "sự trấn an" đối với các đối tác châu Á.

"Thời điểm chuyến thăm của ông Stoltenberg rất quan trọng. Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến các nước châu Á và mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với Nga cũng là một mối đe dọa cần được giải quyết", ông Jim Townsend nói với DW.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn nguy cơ đối đầu NATO- Nga

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gặp gỡ tại Madrid tháng 6/2022. (Nguồn: Kantei.go)

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Madrid tháng 6/2022. Nguồn: Kantei.go

Chuyên gia này cũng chỉ ra, sự hiện diện của ông Stoltenberg ở Tokyo sẽ cho thấy NATO mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với châu Á. "Những chuyến thăm này cũng thể hiện sự thống nhất vì nó cho thấy NATO và một số quốc gia châu Á sẵn sàng hợp tác với nhau. Chuyến đi này báo hiệu một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở châu Á", ông Jim Townsend nói thêm.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào năm ngoái, ông Yoon Suk-yeol và ông Kishida đã trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách quan sát viên. Tại đây, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ sự cấp bách phải giải quyết các thách thức ở Đông Á. 

Kể từ đó, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải đối mặt với một Triều Tiên ngày càng táo bạo hơn khi nước này đã thực hiện số vụ thử tên lửa chưa từng có vào năm 2022. Việc Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự ở vùng biển xung quanh Đài Loan cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Theo ông Ramon Pacheco Pardo, Giáo sư quan hệ quốc tế chuyên về an ninh châu Á tại Đại học King's College London, tất cả những điều này khiến việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO là "một chiến lược quân sự cần thiết" đối với cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong hoàn cảnh hiện tại.

"Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều bày tỏ rằng an ninh ở châu Âu có liên quan đến châu Á, trong bối cảnh Nga có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Triều Tiên", ông Ramon Pacheco Pardo nói với DW và nhấn mạnh họ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với liên minh quân sự lớn nhất thế giới để giải quyết các mối đe dọa an ninh này, đồng thời tập trung xây dựng quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn nguy cơ đối đầu NATO- Nga

    Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn nguy cơ đối đầu NATO- Nga

    04:00, 29/01/2023

  • NATO tính chiến lược mùa đông cho Ukraine

    NATO tính chiến lược mùa đông cho Ukraine

    05:00, 21/10/2022

  • "Cánh cửa" gia nhập NATO rộng mở hơn với Ukraine

    04:30, 05/10/2022

  • Vì sao NATO chưa kết nạp Ukraine?

    Vì sao NATO chưa kết nạp Ukraine?

    04:30, 03/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NATO tìm kiếm điều gì tại châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO