Chiến sự Nga - Ukraine và trật tự năng lượng mới

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 12/04/2023 04:30

Chiến sự Nga - Ukraine đã làm rõ hai chiều hướng đang diễn ra trên thị trường năng lượng hóa thạch. Đây là cú đảo chiều lịch sử.

Thế giới không dễ dàng đoạn tuyệt năng lượng hóa thạch

Thế giới không dễ dàng đoạn tuyệt năng lượng hóa thạch

>>Nóng bỏng “cuộc chiến” dầu mỏ

An ninh năng lượng từ lâu được hiểu là sự sẵn có của nguồn cung với giá cả phải chăng. Trật tự cân bằng giữa nguồn cung và giá cả đang biến chuyển khó lường. Nguồn cung thậm chí đang dư thừa, trong khi không ai biết trước giá cả trong tương lai gần.

Khái niệm tối giản như trên không còn bao quát được thực tế; những rủi ro mà thế giới hiện đang phải đối mặt vừa nhiều hơn vừa phức tạp hơn so với các thời kỳ trước đó.

Chiến sự Nga - Ukraine, loạt động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) hay các đột phá trong công nghệ giao thông chạy điện, sự bùng nổ năng lượng tái tạo,… đã cho thấy một cách đáng kinh ngạc quá trình chuyển đổi năng lượng và địa chính trị quện chặt vào nhau.

Đặc biệt, với cuộc chiến ở Đông Âu, một lần nữa làm rõ vai trò tối quan trọng của năng lượng hóa thạch. Cũng giống như nhiều thập kỷ trước, những nhà lãnh đạo hàng đầu ở phương Tây vẫn xoay quanh “lá bài” dầu mỏ và khí đốt.

Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã đến Saudi Arabia và điện đàm với lãnh đạo các nước Iran, Venezuela hòng tìm kiếm một giải pháp dùng năng lượng gây sức ép với Nga. Và cuối cùng, Washington tự cứu lấy mình bằng cách xả kho dự trữ chiến lược.

OPEC+ hai lần hạ sản lượng khai thác gián tiếp cắt bỏ vai trò của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ cùng Nga thắt chặt quan hệ bẻ dòng dầu chảy sang châu Á. Rõ ràng, tương quan sức mạnh năng lượng nghiêng dần về phương Đông.

Song trùng, cú bẻ lái đột ngột khiến các chính phủ châu Âu mất gần 1.000 tỷ euro bảo trợ doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó khủng hoảng năng lượng. Cho đến nay, EU vẫn chưa xử phạt việc bán khí đốt của Nga. Trên thực tế, châu Âu vẫn tìm cách nhập khẩu một lượng đáng kể khí tự nhiên hóa lỏng của Nga.

Cuộc tranh giành khốc liệt vẫn xảy ra thường nhật trên thị trường năng lượng hóa thạch bất chấp việc truyền thông ngợi ca COP26 là hội nghị về khí hậu quan trọng nhất lịch sử nhân loại. Cho dù các định chế tài chính phương Tây đồng loạt cắt giảm vốn đầu tư thăm dò, khai thác dầu và khí đốt cũng không làm giảm sức “nóng” của ngành này.

Giá khí đốt tự nhiên trung bình đã tăng gấp ba lần từ nửa đầu đến nửa cuối năm 2021. Kết hợp với giá dầu tăng, những diễn biến này đã mang lại cho Nga một bữa tiệc doanh thu hàng năm cao hơn 50% từ dầu khí so với dự kiến của Điện Kremlin.

>> "Nước cờ" cao tay của Phương Tây khi cấm vận dầu mỏ Nga

Một năm rưỡi qua cũng chứng kiến một số nhà sản xuất dầu khí vẫn sẵn sàng sử dụng sức mạnh năng lượng của họ để thúc đẩy các mục tiêu chính trị và địa chiến lược một cách không khoan nhượng.

Do vậy, tiến trình chuyển đổi xanh cũng không dễ dàng

Tiến trình chuyển đổi xanh cũng không dễ dàng

Tiến trình chuyển đổi xanh không dễ dàng như “bản vẽ” của các nhà hoạch định tại Glasgow hồi năm 2021. Đơn giản là bởi, năng lượng hóa thạch chưa hết sứ mệnh lịch sử - được minh chứng thông qua hàng loạt sự kiện kể từ ngày 24/2/2022.

Mỹ tỏ ra yếu đuối hơn Trung Quốc về chuỗi cung ứng hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng “sạch”. Thượng nghị sĩ Mỹ, Joe Manchin, cảnh báo rằng ông không muốn phải xếp hàng chờ mua pin ô tô từ Trung Quốc như cách ông đã xếp hàng vào những năm 1970 để mua xăng có nguồn gốc từ Trung Đông.

Chiến sự Nga - Ukraine làm nổi bật hơn vai trò của năng lượng hóa thạch; đánh dấu bước ngoặt OPEC+ không còn tuân phục Mỹ, cũng như đem đến cơ hội lý tưởng cho Trung Quốc thiết lập và dẫn đầu một liên minh mới có tính đối trọng với Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine

    Chiến sự Nga - Ukraine "tiếp lửa" cho ngành vũ khí Đức

    04:00, 10/04/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Thế bế tắc sắp bị phá vỡ?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Thế bế tắc sắp bị phá vỡ?

    03:30, 07/04/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev sắp phản công lớn ở phía Đông?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev sắp phản công lớn ở phía Đông?

    04:00, 05/04/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Tại sao pháo binh Nga đảm nhiệm chính trên chiến trường?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Tại sao pháo binh Nga đảm nhiệm chính trên chiến trường?

    04:00, 31/03/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ