Crimea- "nút thắt" chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine

TRƯỜNG ĐẶNG 13/04/2023 04:00

Tổng thống Ukraine từng mạnh dạn tuyên bố Crimea phải trở về với Ukraine để kết thúc chiến tranh, nhưng giờ đây bán đảo này lại chính là điểm nghẽn trong hành trình tìm kiếm hòa bình của Kiev.

Crimea trở thành vấn đề không thể nhượng bộ của cả Nga và Ukraine

Crimea trở thành vấn đề không thể nhượng bộ của cả Nga và Ukraine

Trong một tuyên bố gần đây, ông Andriy Sybiha, Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, tiết lộ rằng Kiev sẵn sàng thảo luận về tương lai của Crimea với Moscow nếu cuộc phản công sắp tới thành công. Tuyên bố này có phần mâu thuẫn với quan điểm trước tới nay của Kiev, rằng Crimea phải trở về với Ukraine như một phần của thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.

Đường lối “bất khả xâm phạm”…

Sau những quan điểm cứng rắn đó, giành lại Crimea đã trở thành đề tài “bất khả xâm phạm” tại Ukraine. Theo chuyên gia Anatol Lieven, Giám đốc chương trình Á-Âu tại Viện Quincy, giới chức quân sự và những người theo đường lối cứng rắn đang thắng thế tại Ukraine và bất cứ ai đi ngược lại quan điểm giành lại Crimea đều có thể bị coi là “kẻ phản bội”.

>>Ukraine sốt sắng muốn "tiếp bước" Phần Lan gia nhập NATO

Thế nhưng, nhìn nhận một cách thực tế, ít ai dám chắc Ukraine có thể giành lại vùng đất này bằng biện pháp quân sự, kể cả khi Kiev đạt được mục tiêu trong các chiến dịch sắp tới – được cho sẽ xuyên qua tỉnh Zaporizhzhia để cắt đứt hành lang trên bộ mà Nga sử dụng để tiếp tế từ Crimea.

“Chắc chắn, rất nhiều người tin rằng chúng ta phải chiến đấu vô thời hạn để tái chiếm Crimea bất kể tổn thất thế nào. Nhưng trong thâm tâm, hầu hết những người hiểu chuyện đều biết rằng điều đó là không thể. Vấn đề là gần như không thể nói điều này trước công chúng mà không bị mất việc hoặc tệ hơn nữa”, ông Lieven nhận định.

Rõ ràng, chính bản thân các nhà lãnh đạo ở Kiev cũng hiểu mình đang phải đối mặt với thách thức nào để giải quyết thế “tiến thoái lưỡng nan” này. Tiến tới giải pháp hòa bình với Nga thông qua thương lượng về vấn đề Crimea có thể được coi là “tự sát chính trị” của giới chức Kiev.

Bấy lâu nay, chính phủ Kiev đã nuôi dưỡng ý định giành lại Donbass và Crimea là một yếu tố không thể thỏa hiệp với Nga. Thậm chí đây còn là một trong những mâu thuẫn lớn giữa Kiev và phương Tây trong tìm giải pháp hòa bình cho chiến sự Nga- Ukraine. Do đó, một quan điểm xoay chiều của Tổng thống Ukraine sẽ không chỉ kích động tinh thần dân tộc đang bùng cháy trong nước, mà còn là cái cớ để chính quyền đương nhiệm bị hạ bệ.

… nhưng sẽ đi vào ngõ cụt

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, tiếp tục theo đuổi đường lối cứng rắn với Nga cũng đồng nghĩa với triển vọng hòa bình ngày càng xa vời với Kiev.

Thứ nhất, bản thân Ukraine còn đang không có đủ nguồn lực để tiến hành các cuộc phản công giành lại khu vực miền Đông đang do Nga nắm giữ. Trong khi đó, để đánh bật quân Nga khỏi Crimea, Kiev cần một loạt khí tài hiện đại như tên lửa tầm xa đến 300km, máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến của phương Tây – những hạng mục dường như bất khả thi vào lúc này.

Giải quyết vấn đề Crimea sẽ là bài toán khó cho chỉnh phủ Ukraine

Giải quyết vấn đề Crimea sẽ là bài toán khó cho chỉnh phủ Ukraine

Thứ hai, mục tiêu giành lại vùng đất bị Nga sáp nhập năm 2014 cũng không được đồng minh của Ukraine tin tưởng. Một quan chức Pháp giấu tên từng nói: “Không ai tin rằng họ có thể giành lại Crimea”. Chưa kể, cung cấp các vũ khí hạng nặng sẽ kích động Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và đối đầu trực tiếp với NATO – điều mà Mỹ và châu Âu đang muốn tránh.

Cuối cùng, Ukraine sẽ vấp phải không chỉ quân đội Nga ở Crimea, mà còn là chính người dân trên đảo. Theo tìm hiểu của NBC News (Mỹ), đa số người dân tại đây nói tiếng Nga, ủng hộ chính quyền ông Putin, và họ thề sẽ đánh trả nếu Ukraine tiến vào đây. Hay đáng ngạc nhiên hơn, theo một khảo sát dư luận hồi tháng 7 năm ngoái, 58% người Ukraine trả lời cho rằng Crimea “phải trở về Ukraine” - một tỷ lệ đa số nhưng không phải quá lớn.

>>Vụ rò rỉ tài liệu mật về Ukraine khơi dậy nỗi lo chiến tranh mạng

Chỉ riêng những thách thức này cũng đủ thấy chính quyền Kiev đang bế tắc ra sao trên con đường giành lấy hòa bình mà chịu ít tổn thất. Vấn đề là thành công của Ukraine trên chiến trường lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây.

Câu hỏi đặt ra là sự kiên nhẫn của các nước này tới đâu, trong bối cảnh một Trung Quốc đang tận dụng tối đa sự phân tán của Mỹ và phương Tây để mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev sắp phản công lớn ở phía Đông?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev sắp phản công lớn ở phía Đông?

    04:00, 05/04/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine

    Chiến sự Nga - Ukraine "tiếp lửa" cho ngành vũ khí Đức

    04:00, 10/04/2023

  • Vụ rò rỉ tài liệu mật về Ukraine khơi dậy nỗi lo chiến tranh mạng

    Vụ rò rỉ tài liệu mật về Ukraine khơi dậy nỗi lo chiến tranh mạng

    04:00, 12/04/2023

  • Chiến sự Nga – Ukraine: Biển Đen sẽ thành “chiến địa” mới?

    Chiến sự Nga – Ukraine: Biển Đen sẽ thành “chiến địa” mới?

    04:00, 09/04/2023

TRƯỜNG ĐẶNG