Nhiều chuyên gia cho rằng chiến sự Nga- Ukraine đã phơi bày một “lỗ hổng” trong chiến lược của NATO là Biển Đen. Do đó, liên minh này đang tìm cách "vá" bằng các kế hoạch mới.
Bên cạnh những chiến trường khốc liệt như Kherson hay Bakhmut, Biển Đen đang nổi lên như một điểm nóng tiềm ẩn cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga và NATO.
Đó là việc Ukraine kiên quyết bảo vệ Đảo Rắn trong những ngày đầu của chiến sự Nga- Ukraine, hay vụ tàu tuần dương Moskva - viên ngọc quý của hạm đội Biển Đen Nga - bị chìm vào tháng 4/2022. Mới nhất vào tháng 3/2023, một máy bay chiến đấu của Nga đã đâm vào một máy bay không người lái của Mỹ trên Biển Đen, tiếp tục đẩy lên tranh cãi giữa hai nước về quyền tiếp cận và kiểm soát khu vực.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev sắp phản công lớn ở phía Đông?
Biển Đen là nơi có giá trị chiến lược quan trọng của NATO, không chỉ bởi nó quyết định an ninh sườn Đông Nam của châu Âu, mà đây còn là tuyến thông thương lúa mỳ chủ đạo cho châu lục và thế giới. Thế nhưng, lâu nay NATO đã không thể tạo được tầm ảnh hưởng tại khu vực này như Nga.
Sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 giúp Moscow mở rộng quyền kiểm soát Biển Đen với vị trí trung tâm vùng biển của thành phố cảng. Trong chiến sự Nga – Ukraine ngày nay, đây vừa là tuyến tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga, đồng thời cũng là gọng kìm giúp Moscow kiềm chế Kiev từ hướng Nam.
“Khi bạn nhìn lại những gì NATO đã nói và thực tế họ đã làm ở Biển Đen trước chiến sự Nga- Ukraine, thì thành quả là rất ít,” ông Steve Horrell, cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ, hiện là học giả thuộc Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu nói.
Thực tế này đang khiến giới chức phương Tây và Hoa Kỳ đòi hỏi một cách tiếp cận khác nếu như NATO thực sự muốn đối phó với Nga.
“Việc cho phép Nga xác định các quy tắc của Biển Đen khiến các đồng minh và lợi ích của Mỹ gặp rủi ro. Do đó, họ đang có chiến lược toàn diện của riêng mình để đảm bảo rằng Nga không thể có ưu thế ở đó”, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của đảng Dân chủ Mỹ, cho biết.
Tháng trước, bà Shaheen và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã đưa ra một dự luật về an ninh Biển Đen nhằm đốc thúc việc xây dựng một chiến lược. Trọng tâm của chiến lược này là tăng cường sự hiện diện quân sự và can dự kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực. Quan điểm này cũng được đồng tình tại Hạ viện, nơi chủ tịch Ủy ban Tình báo, Michael Turner cũng đề xuất một dự luật tương tự cùng thời điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng một chiến lược hiệu quả không phải dễ, nếu nhìn vào những nền tảng mà NATO hiện có tại Biển Đen.
Thứ nhất, sự hiện diện của NATO hay Mỹ ở Biển Đen sẽ phụ thuộc lớn vào vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Istanbul được coi là "người gác cổng" Biển Đen với các eo biển Dardanelles và Bosphorus có vai trò là lối thoát duy nhất vào Địa Trung Hải.
Thế nhưng, bất chấp là một thành viên của khối NATO, nhưng Istanbul không phải là một đồng minh “dễ bảo”. Thổ Nhĩ Kỳ là rào cản chính trong tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, cũng như có quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Moscow. Chưa kể, Istanbul không có ý định nhường quyền kiểm soát an ninh Biển Đen cho NATO.
“Thổ Nhĩ Kỳ thờ ơ với bất kỳ đề xuất nào có thể thay đổi tình trạng của Biển Đen hoặc thay đổi các điều khoản tiếp cận Biển Đen,” ông Soner Cagaptay, một chuyên gia về khu vực của Trung tâm Chính sách Cận Đông của Viện Washington nhận định.
Thứ hai, nếu không thể dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ phải tăng cường năng lực cho Rumanie và Bulgaria – hai thành viên nhỏ bé của khối.
>>Ukraine sốt sắng muốn "tiếp bước" Phần Lan gia nhập NATO
Tiềm lực và cơ sở hạ tầng của hai quốc gia này rõ ràng không đủ đáp ứng tham vọng mới của khối liên minh. Như ông Andrei Muraru, đại sứ Romania tại Hoa Kỳ, thừa nhận mới đây: “Trong một thời gian dài, đã có một khoảng cách về an ninh giữa các nước phía Bắc của sườn Đông NATO (Phần Lan, Estonia…) và phần phía Nam (Rumania, Bulgaria) của sườn Đông NATO”.
Điều đó đòi hỏi NATO phải tiếp tục dàn trải các nguồn lực để nâng cấp lực lượng cho các quốc gia này, khi mà họ còn đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết.
Các chuyên gia đề xuất có thể hỗ trợ Romania và Bulgaria thông qua Thỏa thuận Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) của EU. Sáng kiến có thể giúp hai quốc gia này tiếp cận các tàu chiến và máy bay chiến đấu hiện đại với giá ưu đãi hơn.
Ngoài ra, NATO cũng đang tính toán tăng cường thêm các hợp tác như tập trận, tuần tra chung đa quốc gia để thúc đẩy sự hiện diện, tận dụng các cảng Varna ở Bulgaria hay Constanta ở Romania.
Nga chắc chắn sẽ không ngồi yên trước những động thái như vậy, và điều đó sẽ chỉ làm tăng nguy cơ xung đột không mong muốn giữa các bên. Dù thế nào đi nữa, việc hai bên từng bước leo thang căng thẳng ở một chiến trường mới báo hiệu một tương lai đáng lo ngại cho an ninh châu Âu. Do đó, NATO có thể cũng sẽ rất cận trọng khi thực hiện chiến lược này, vì họ rất dễ đối đầu trực tiếp với Nga.
Có thể bạn quan tâm