Vì sao Trung Quốc quan ngại về AUKUS?

CẨM ANH 18/04/2023 03:00

Thỏa thuận AUKUS giữa ba nước Mỹ-Anh-Australia hầu như nhận được rất ít sự phản đối trong khu vực. Đây là cảnh báo đáng ngại với Trung Quốc

>>Kỳ vọng gì từ AUKUS và GCAP?

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia chính thức công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Independent.

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia chính thức công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Independent.

Kế hoạch mua tàu ngầm của Australia chỉ là một phần trong sự hợp tác an ninh ngày càng sâu rộng giữa quốc gia này với Anh và Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc. Các bước tiếp theo có thể bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực khác như tên lửa siêu thanh, hoạt động mạng, điện toán lượng tử... Tất cả những điều này có thể làm cho AUKUS trở nên quan trọng hơn đối với cán cân quân sự trong khu vực so với bất kỳ nhóm nào khác như Bộ Tứ Quad; hoặc Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA) giữa Australia, Anh, Malaysia, New Zealand và Singapore.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối AUKUS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cáo buộc việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS nhằm mục đích kích động một cuộc đối đầu quân sự thông qua hợp tác quân sự. Bắc Kinh cũng lo ngại các hoạt động của AUKUS làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngoài Trung Quốc, các phản ứng đối với AUKUS trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhìn chung là tích cực—hoặc ít nhất là không tiêu cực—kể từ khi hiệp ước được công bố vào tháng 9/2021.

Một số quốc gia, chủ yếu ở Đông Nam Á, lo ngại về khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng nhìn chung, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ủng hộ AUKUS hoặc tránh công khai phản đối, điều này cho thấy những lo ngại đang lan rộng về hoạt động xây dựng quân sự, cũng như sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Điều này là tín hiệu tích cực cho AUKUS trong việc liên kết với các đồng minh và đối tác bổ sung nhằm mục đích răn đe trong thời bình. 

Là một đồng minh vững chắc của Mỹ với mối quan hệ ngày một căng thẳng với Trung Quốc, Nhật Bản luôn ủng hộ AUKUS. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã từng lưu ý rằng AUKUS sẽ “đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng”. Tháng 12 năm ngoái, Tokyo đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới, trong đó mô tả các hoạt động quân sự của Bắc Kinh là “thách thức chiến lược lớn nhất và chưa từng có”.

Học giả Michael Auslin của Viện Hoover nhận định, nếu tham gia vào AUKUS, Tokyo có khả năng tìm kiếm các lĩnh vực của chương trình AUKUS, chẳng hạn như điện toán lượng tử để nâng cao hợp tác, thay vì các khía cạnh liên quan đến sử dụng năng lượng hạt nhân.

>>Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc

Tàu ngầm HMAS Collins của hải quân Australia. Ảnh: Hải quân Australia.

Tàu ngầm HMAS Collins của hải quân Australia. Ảnh: Hải quân Australia.

Trong khi đó, Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ, đã không chính thức cân nhắc về AUKUS do Hàn Quốc tập trung vào Triều Tiên và cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nhưng giới quan sát nhận định, Hàn Quốc được cho là đang tìm cách tăng cường tương tác và có khả năng tham gia Bộ Tứ QUAD. Chính quyền của Tổng thống Yoon cũng sẵn sàng tham gia vào liên minh Chip 4 do Hoa Kỳ dẫn đầu trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn ra khỏi Trung Quốc.

Theo ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, quốc gia ủng hộ AUKUS mạnh mẽ duy nhất trong khu vực Đông Nam Á là Philippines, một đồng minh khác của Mỹ cũng phải đối mặt với áp lực ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Manila, AUKUS là sự bổ sung hữu ích cho cấu trúc an ninh khu vực. Năm 2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã lưu ý rằng AUKUS “nên khôi phục và giữ cân bằng hơn là gây bất ổn”.

Trong khi đó, Singapore đã không đưa ra một tuyên bố nào. Cả Indonesia và Malaysia cũng không tỏ ra phản đối. Đáng chú ý, Thái Lan cho đến nay vẫn tránh bình luận về AUKUS, có lẽ để duy trì mối quan hệ thân thiện và hiệu quả với Trung Quốc.

Ấn Độ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự thành công của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Quốc gia này đã không cân nhắc công khai về AUKUS, nhưng trong một động thái rất đáng chú ý, New Delhi vào năm 2022 đã bỏ phiếu chống lại các nỗ lực của Trung Quốc và Nga trong IAEA nhằm phá vỡ hiệp ước với lý do sử dụng năng lượng hạt nhân làm động cơ tàu ngầm đã vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Việc hầu hết các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ủng hộ AUKUS một cách mạnh mẽ hoặc thận trọng, hoặc từ chối lên án AUKUS sẽ làm Bắc Kinh gia tăng lo lắng về những tác động địa chiến lược và quân sự. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ vọng gì từ AUKUS và GCAP?

    Kỳ vọng gì từ AUKUS và GCAP?

    03:30, 30/03/2023

  • Mỹ ấp ủ nhiều

    Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc

    04:00, 26/03/2023

  • AUKUS và nỗi sợ của Trung Quốc

    AUKUS và nỗi sợ của Trung Quốc

    04:34, 17/03/2023

  • Bộ ba AUKUS đi

    Bộ ba AUKUS đi "nước cờ" mới, Trung Quốc phản ứng thế nào?

    03:30, 15/03/2023

  • AUKUS và toan tính ngầm của các bên

    AUKUS và toan tính ngầm của các bên

    11:00, 07/10/2021

CẨM ANH