AUKUS trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia là bước đi mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Căng thẳng Mỹ- Trung có thể leo thang vì sự kiện này.
>>Thần tốc công nghệ, Trung Quốc khiến Mỹ lo sợ!
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại căn cứ quân sự California. Tại đây, lãnh đạo 3 cường quốc đạt được thỏa thuận hải quân chưa từng có. Theo đó, Mỹ sẽ “bật đèn xanh” cho Australia mua 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia kèm điều khoản có thể tùy chọn thêm 2 chiếc. Sau đó, Canbera sẽ nhận của Anh một tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS. Tất cả đều là công nghệ Mỹ, và đây cũng lần đầu tiên Lầu Năm Góc chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho đồng minh.
Như vậy, hải quân Australia được trợ giúp để trở nên thiện chiến hơn. Trong tương lai, lực lượng này có thể “hạt nhân hóa”, đóng vai trò một cứ điểm mạnh mẽ ở Nam Thái Bình Dương, có chiều hướng thân Mỹ.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng việc thiết lập AUKUS để thúc đẩy hợp tác về tàu ngầm hạt nhân và các công nghệ quân sự tiên tiến khác là tâm lý Chiến tranh Lạnh điển hình”.
“Thỏa thuận về tàu ngầm của Washington, London và Canberra liên quan việc chuyển một lượng lớn uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí từ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sang quốc gia không có vũ khí hạt nhân”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân lập luận.
Thái Bình Dương trở thành vùng không gian nhạy cảm do Mỹ và Trung Quốc cùng xác định là địa bàn cạnh tranh chiến lược. Bắc Kinh và “lời nguyền địa lý” của họ chỉ tồn tại một lối ra duy nhất theo con đường “Nam tiến” trên Biển Đông. Trên con đường này có bán đảo Đài Loan, các nước Đông Nam Á xuống các đảo quốc Thái Bình Dương, bao trọn lãnh thổ Australia. Trên thực tế, Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu trong chiến lược hiện đại hóa hải quân, vươn tầm ảnh hưởng về phía Nam.
Để ngăn chặn Trung Quốc, Washington không ngừng kêu gọi và tập hợp đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tiên là hậu thuẫn bán đảo Đài Loan ly khai, tạo cớ để hải quân Mỹ có thể tuần tiễu qua eo biển Formosa rộng 180km nhằm canh chừng động thái của Trung Quốc.
>> AUKUS và toan tính ngầm của các bên
Tiếp đến, Mỹ chủ trương mời gọi Đông Nam Á hợp tác, giảm dần sức ảnh hưởng của Bắc Kinh mà mục đích cuối cùng không để Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự trải dài từ Hải Nam đến Australia.
Với việc giúp Canberra hiện đại hóa lực lượng hải quân, Mỹ tạo thêm chốt chặn rất vững chắc ở Thái Bình Dương. Rõ ràng lực lượng Trung Quốc trong khu vực không thể thoải mái hoạt động khi bị giám sát chặt chẽ bởi tàu ngầm hạt nhân.
Không chỉ Australia mà bất cứ đội quân biển nào trong khu vực sở hữu khí tài tối tân do Mỹ cung cấp đều rơi vào khung khổ “cảnh báo” của Bắc Kinh. Động thái của AUKUS là thách thức không nhỏ với Trung Quốc, kể cả khi xung đột chưa xảy ra.
Washington đẩy mạnh chiến lược hình thành mạng lưới chốt chặn phong tỏa Trung Quốc, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines đến Australia, New Zealand, Papua New Guinea vòng sang Ấn Độ Dương.
Một cường quốc sẽ không đạt được sức mạnh tối đa khi không sở hữu lực lượng hải quân hàng đầu - đích thực phải là cường quốc biển, có khả năng tấn công, bố trí và di chuyển lực lượng đến bất cứ điểm nóng nào. Washington không để Bắc Kinh dễ dàng đạt được mục đích.
Tuy vậy, sự hiện diện của vũ khí tối tân trong khu vực không phải là điềm lành. Nhiều sự kiện lịch sử cho thấy, bất cứ nơi nào Mỹ tập hợp lực lượng, chuẩn bị khí tài - không sớm thì muộn đều được sử dụng.
Có thể bạn quan tâm