Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới với 90% nghiên cứu công nghệ trong những lĩnh vực quan trọng.
Theo một nghiên cứu mới của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), Trung Quốc là quốc gia nghiên cứu hàng đầu trong phần lớn các công nghệ tiên tiến. Cụ thể, nước này đã giành vị trí hàng đầu trong 57 lĩnh vực, tương đương gần 90%, đối với các bài báo được công bố trong giai đoạn 2019-2023.
Điều này thể hiện sự thay đổi so với giai đoạn 2003-2007, khi Mỹ dẫn đầu ở 60 trong số 64 danh mục, trong khi Trung Quốc chỉ đứng đầu 3 danh mục. Trong giai đoạn 2019-2023, Mỹ chỉ đứng đầu trong 7 danh mục, bao gồm điện toán lượng tử và công nghệ sinh học, công nghệ gen và vắc-xin.
Đặc biệt, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến trong các công nghệ lưỡng dụng có khả năng ứng dụng trong mục đích quân sự. Có 24 danh mục được phân loại có nguy cơ cao bị một quốc gia độc quyền, bao gồm radar, định vị vệ tinh và máy bay không người lái.
Khi nói đến các trích dẫn liên quan đến việc phát hiện và theo dõi tên lửa siêu thanh, Trung Quốc chiếm 73%, Hoa Kỳ chiếm 13%, và Vương quốc Anh chiếm 3%. Đối với động cơ máy bay tiên tiến, Trung Quốc dẫn đầu với 63% trong khi Hoa Kỳ đứng sau với 7%.
"Báo cáo của ASPI cho biết: "Các đột phá khoa học và đổi mới nghiên cứu trong các công nghệ quốc phòng then chốt ngày càng có khả năng xảy ra ở Trung Quốc".
Có thể thấy, Sáng kiến "Made in China 2025" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được công bố vào năm 2015, đã góp phần đáng kể trong việc hiện đại hóa ngành công nghiệp Trung Quốc và thúc đẩy sự tự lực trong 10 lĩnh vực quan trọng, bao gồm chất bán dẫn và robot.
Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành cường quốc sản xuất toàn cầu vào năm 2049, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Với nguy cơ Trung Quốc độc quyền công nghệ đang gia tăng, nhóm nghiên cứu của ASPI khuyến nghị rằng AUKUS, nhóm an ninh gồm Australia, Anh và Hoa Kỳ cần hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho biết: "Trong một loạt các công nghệ, chẳng hạn như công nghệ robot tiên tiến và vận hành hệ thống tự động, nỗ lực kết hợp của AUKUS vẫn còn thua kém so với những nghiên cứu có tác động lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tăng cường các nỗ lực của AUKUS với các đối tác như Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về hiệu suất nghiên cứu.
Trên thực tế, ba nước tham gia thỏa thuận AUKUS đã dự kiến tăng cường hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và một số công nghệ quan trọng khác. Vào tháng 4, các bộ trưởng quốc phòng từ ba nước AUKUS đã ban hành một tuyên bố chung cho biết họ đang cân nhắc hợp tác với Nhật Bản.
Mỹ, Vương quốc Anh và Australia coi Nhật Bản là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực AI, công nghệ lượng tử, khả năng tác chiến điện tử và vũ khí siêu thanh, cùng nhiều lĩnh vực khác. Trong khi đó, Hàn Quốc, quốc gia đang đầu tư vào sản xuất hàng loạt chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, cũng đang tìm kiếm các cơ hội nghiên cứu chung về các công nghệ quốc phòng tiên tiến.
Nhật Bản xếp hạng trong top 5 về số lượng nghiên cứu được trích dẫn từ năm 2019 đến 2023 trong 8 lĩnh vực công nghệ, bao gồm năng lượng hạt nhân và cảm biến lượng tử. Hàn Quốc xếp hạng trong top 5 ở 24 lĩnh vực, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn.