"Nóng bỏng" cuộc tranh giành tài nguyên ở châu Phi
Châu Phi - nơi từng bị coi là kém phát triển nhất thế giới, đang trỗi dậy trong bàn cờ thế giới với vai trò là "lối thoát" năng lượng cho nhiều cường quốc.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đã thay nhau đóng vai trò là những “kẻ định đoạt” cục diện thế giới. Thế nhưng, cuộc tranh giành tài nguyên trong thời đại 4.0 đang thay đổi thế giới một cách không ngờ, với vị thể tối quan trọng của một nơi từng bị xem là kém phát triển nhất thế giới – Châu Phi.
Năm 2022 bận rộn của Châu Phi
Năm 2022, châu Phi trở thành điểm đến của hàng loạt nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Sau khi tái đắc cử vào tháng 4/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện chuyến công du đầu tiên ngoài châu Âu đến ba nước châu Phi là Cameroon, Benin và Guinee-Bissau.
>>EU tìm cách lôi kéo các "đồng minh" của Trung Quốc
Lần lượt, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (tháng 5/2022), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 9/2022) cũng đến thăm một số nước châu Phi để đàm phán các thỏa thuận năng lượng.
Không chỉ châu Âu, các cường quốc châu Á cũng sốt sắng trước các quốc gia châu Phi. Tháng 1/2023, tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chọn châu Phi là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên kéo dài 7 ngày. Mặc dù Nga vẫn đang bận rộn với xung đột tại Urkaine, nhưng vẫn không quên cử Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov bay tới “Lục địa Đen”.
Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này, Mỹ tỏ ra lo lắng hơn cả. Chỉ vài ngày sau chuyến thăm của ông Tần Cương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yallen cũng đến châu Phi nhằm củng cố các cam kết, hành động của Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm 2022.
Bỏ quên lục đia đen, Washington đang làm mọi cách để giành lại ảnh hưởng. Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đề ra “Chiến lược châu Phi thịnh vượng” cam kết hàng trăm tỷ USD để xây dựng châu lục. Thế nhưng cho đến nay, kết quả đạt được vẫn là một dấu hỏi.
Vị thế mới của châu Phi
Lý do đầu tiên mà các cường quốc ngày càng để mắt tới châu Phi là trữ lượng tài nguyên khổng lồ của châu lục, bao gồm dầu khí và nguyên liệu thô.
Với các mỏ dầu khí tự nhiên còn chưa được khai thác hết, các quốc gia Senegal, Cameroon hay Nigeria trở thành một lối thoát mới của châu Âu trong cuộc “chia ly” về năng lượng với Nga.
Nguồn dầu khí của châu lục nhiều tiềm năng tới mức, chỉ một nhà máy trên đảo Bonny (Nigeria) cũng sản xuất đủ lượng khí hóa lỏng (LNG) để sưởi ấm cho một nửa nước Anh trong mùa đông. Đa số lượng khí đốt này cũng được bán ra nước ngoài, với khách hàng chủ yếu là Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.
Trong tương lai, châu Phi có thể sẽ là một “thế lực mới” trong ngành năng lượng tái tạo. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 60% các địa điểm tốt nhất để sản xuất điện mặt trời nằm tại “Lục địa Đen”.
Điển hình, Ma-rốc có một trong những nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cung cấp năng lượng 24 giờ cho hơn một triệu ngôi nhà. Chưa kể nhiều quốc gia châu Phi cũng có nguồn tài nguyên gió khổng lồ chưa được khai thác.
Tuy nhiên, “đòn bẩy” độc đáo nhất khiến vị thế của châu lục ngày càng gia tăng chính là trữ lượng khổng lồ các mỏ coban, mangan và bạch kim - là những nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho pin và công nghệ sạch của tương lai.
Nguồn tài nguyên đó đang trở thành nguồn cơn cho sự tranh giành giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Mỹ và đồng minh. Trong cuộc đua này, Trung Quốc đang là bên thắng thế.
Trong suốt 20 năm qua, Bắc Kinh đã coi châu Phi là một điểm đến ưu tiên hàng đầu. Kim ngạch thương mại hai bên đã đạt 254 tỷ USD, gấp 4 lần so với Mỹ.
Bắc Kinh giờ đã trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất châu lục. 12% sản lượng công nghiệp của châu Phi, trị giá khoảng 500 tỷ USD/năm nằm trong tay các công ty Trung Quốc. Với ngành cơ sở hạ tầng, các đại diện từ Trung Quốc chiếm gần 50% thị trường xây dựng theo hợp đồng quốc tế của châu Phi. Ngoài ra, Bắc Kinh có quyền tiếp cận nguồn tài nguyên khổng lồ thiết yếu cho ngành bán dẫn đang phát triển như vũ bão.
Ông Tim Zajontz, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính trị Quốc tế tại Đại học Stellenbosch của Nam Phi, cho biết: “Các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tiếp cận các nguyên liệu thô là một trong số đó, đặc biệt là về dầu thô và các loại khoáng sản khác nhau hay tài nguyên chiến lược như coban, lithium và đất hiếm, những thứ cần thiết trên toàn cầu để sản xuất pin và chip".
>>Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
Không chỉ thua kém về đầu tư, chính quyền Mỹ còn đối mặt vô vàn khó khăn trước chủ nghĩa hoài nghi của châu Phi. Dưới thời ông Donald Trump, Mỹ thường xuyên coi thường và chỉ trích châu lục với các vấn đề “nhạy cảm” như dân chủ, nhân quyền – những điều mà Trung Quốc thường tránh nói tới trong hợp tác với lục địa đen.
Với vị thế đó, Bắc Kinh không hề lép vế khi Mỹ và châu Âu phát động cuộc chiến thương mại nhắm vào ngành công nghệ nước này. Ngược lại, Mỹ và đồng minh sẽ phải lo lắng trước viễn cảnh thiếu đi nguồn cung nguyên liệu thô khổng lồ từ châu Phi để có thể tự chủ trong chuỗi cung ứng công nghệ tương lai.
Có thể bạn quan tâm