Quan hệ Mỹ và châu Âu đang "rạn nứt"?
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận sẽ tái tranh cử, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã bắt đầu bàn thảo vệ điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
>>Châu Âu “đi đêm” với Trung Quốc?
Khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo trên khắp khu vực đã cảm thấy nhẹ nhõm vì có một Tổng thống có quan điểm ôn hòa hơn sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng họ cũng biết rằng, ông Biden sẽ không thể khắc phục tất cả những thiệt hại đã gây ra trong 4 năm cầm quyền của Donald Trump.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh châu Âu của Mỹ. Ông đe dọa tiến hành chiến tranh thương mại, đặt câu hỏi về các nguyên tắc của liên minh NATO và nhiều lần lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu.
Chính vì lẽ đó, châu Âu vẫn chưa hoàn toàn thay đổi thái độ với Mỹ sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc. Có rất nhiều lý do để lý giải cho điều này. Theo ông Dan Baer, Giám đốc Chương trình Châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, những người ở châu Âu tin rằng, có khả năng những nhà lãnh đạo có quan điểm diều hâu như ông Trump hoặc ai đó có quan điểm tương đồng giống ông có thể xuất hiện.
CNN đã trích dẫn lời của một quan chức châu Âu giấu tên, cho biết: “Chúng tôi nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ và tự hỏi liệu điều gì đó tương tự hoặc tồi tệ hơn sẽ tiếp tục xảy ra hay không. Chúng tôi nhìn vào sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ và tự hỏi liệu chúng tôi có thể tin tưởng rằng, Mỹ sẽ không tăng cường tiến hành các chương trình nghị sự về chủ nghĩa bảo hộ và nước Mỹ trên hết hay không?”
Quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể quá phụ thuộc vào một đồng minh mà chúng tôi không thể tin tưởng là sẽ duy trì chính sách đối ngoại ổn định”.
Trên thực tế, quan hệ Mỹ- EU đã phục hồi khá nhiêu sau khi Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ. Điều này được thấy rõ nhất trong sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai bên trong cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác của mối quan hệ song phương lại có nhiều tín hiệu chưa rõ ràng.
Sự thiếu tin tưởng và nghi ngờ này đối với Mỹ đã góp phần thúc đẩy "châu Âu tự chủ chiến lược". Về cơ bản, đây là là một nỗ lực để EU có một chính sách đối ngoại độc lập khiến khối này ít phụ thuộc vào Mỹ hơn. Một phần quan trọng trong chương trình nghị sự đó là việc châu Âu duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, điều mà lưỡng đảng Hoa Kỳ đánh giá là khó có thể chấp nhận được.
Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giải thích tầm nhìn của ông về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu bằng những từ ngữ gây tranh cãi, nhưng nhìn chung, tất cả 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ chương trình nghị sự về quyền tự chủ chiến lược, mặc dù có những mức độ khác nhau trong thái độ với Trung Quốc.
>>Mỹ có cạnh tranh được với Nga - Trung tại Trung Á?
Theo ông Mario Esteban, một nhà phân tích tại Real Instituto Elcano, những lo ngại của châu Âu đối với nước Mỹ hiện đại đã khiến ngay cả những người hoài nghi Trung Quốc nhất ở EU cũng phải chấp nhận rằng châu Âu giờ đây phải có cách tiếp cận khác với Bắc Kinh so với Washington.
"Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các quốc gia EU đều đồng thuận về vấn đề này. Một số ý kiến, đặc biệt là ở phía Đông của khối, lo sợ rằng sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc và lao động giá rẻ khiến các quốc gia khác không nhận thức được nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều về kinh tế vào Trung Quốc", ông Esteban nói thêm.
“Chúng ta cần loại bỏ rủi ro khỏi mối quan hệ với Trung Quốc, điều mà chúng ta đã không làm với Nga. Tôi lo lắng rằng chúng ta đang đánh giá thấp rủi ro từ Trung Quốc,” một nhà ngoại giao Đông Âu cho biết.
Không thể phủ nhận rằng cái bóng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump và việc Tổng thống Biden tiếp tục chính sách hướng nội hơn là hướng ngoại đã thúc đẩy quyết tâm châu Âu trong việc củng cố vị thế của riêng mình trên thế giới, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Mặc dù vậy, các quan chức châu Âu vẫn kỳ vọng Tổng thống Joe Biden sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Châu Âu vẫn cần một nhà lãnh đạo Mỹ có quan điểm gần gũi với đồng minh, thay vì tách rời trong mọi vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu “đi đêm” với Trung Quốc?
04:30, 29/04/2023
Chiến sự Nga - Ukraine làm biến đổi châu Âu
04:30, 23/04/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Nỗi lo thầm lặng của châu Âu
04:28, 21/04/2023
Châu Âu đang "xích lại" gần Trung Quốc?
03:30, 09/04/2023
"Nước cờ" mới của châu Âu trong chính sách với Trung Quốc
15:52, 06/04/2023