Châu Phi sẽ "dẫn dắt" kinh tế thế giới?
Châu Phi được dự đoán sẽ có lợi thế dân số, lao động hơn Trung Quốc và Ấn Độ trong vài thập kỷ tới. Liệu châu lục này có thể dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu?
>>Trung Quốc "thu mình", ưu tiên nội lực kinh tế
Lý thuyết nhân khẩu học và tăng trưởng kinh tế không còn đánh giá cao khả năng dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc, Ấn Độ hay châu Âu, Bắc Mỹ. Lý do căn bản nhất là: Những khu vực này không thể đảo ngược giai đoạn già hóa dân số, sụt giảm lực lượng lao động.
Trong 25 năm tới, Trung Quốc mất 300 triệu lao động, số người già từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi. Các biến đổi trong cơ cấu dân số Ấn Độ cũng không thuận lợi, tỷ lệ sinh tự nhiên giảm còn một nửa.
Tại quốc gia Nam Á, nhóm lao động có trình độ học vấn cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhanh chóng - đã đạt đỉnh vào năm 2021 ở mức 255 triệu người và dự kiến sẽ giảm 15%, tương đương 40 triệu người vào năm 2050.
Trong khi đó, mức sinh ở châu Phi hiện nay là 4,3 con/1 phụ nữ, cao nhất thế giới. Theo tính toán vào năm 2040, cứ ba người trên thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 sẽ có một người đến từ châu Phi.
Đến năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động chính của “lục địa đen” sẽ lớn gấp 5 lần so với châu Âu và lớn hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại. Người trẻ châu Phi chiếm 98% tổng mức tăng trưởng lực lượng lao động ròng trên thế giới.
Từ đó, các nhà khoa học về nhân học dự báo, châu Phi sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời điểm nào đó, có thể rơi vào nửa cuối thế kỷ 21 trở đi. Đây là một đánh giá khá bất ngờ - xét về hoàn cảnh, điều kiện hiện nay của châu lục này.
Giữa dân số và tăng trưởng kinh tế tồn tại quan hệ biện chứng, những hiện tượng phát triển ngoạn mục ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đều đi kèm với nền tảng dân số lý tưởng trong rất nhiều điều kiện hội tụ.
>>Kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái
Một trong những điều kiện cần là cuộc cách mạng công nghiệp, nghiên cứu, phát minh, sáng tạo và chế tạo công cụ lao động; thay đổi phương thức sản xuất, bùng nổ năng suất lao động. Ngoài ra, cần có nền tảng căn bản như giáo dục, y tế, chính sách công thực sự hiệu quả để đạt được thành tựu vượt trội.
Xét về tiêu chí này, châu Phi khó lòng đạt được trong vòng vài thập kỷ tới - cho dù dân số trẻ, đông đúc. Do kém phát triển về giáo dục, y tế, khoa học cơ bản; chỉ số phát triển con người thấp; bất ổn chính trị - xã hội, thể chế lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt.
Quan trọng hơn nữa, châu Phi không có nhiều lợi thế địa chính trị trên bản đồ thế giới, không thể thu hút sự quan tâm của các siêu cường cũng như các định chế có vai trò quyết định hiện nay.
Lý thuyết nhân khẩu học quốc gia không thể bao quát đầy đủ các động lực phát triển ở quy mô khu vực và châu lục, thậm chí liên lục địa. Trung Quốc và Ấn Độ có thể không đơn thương độc mã dẫn dắt kinh tế toàn cầu, nhưng liên minh khối giữa Bắc Kinh, New Delhi, Moscow trong trật tự toàn cầu mới vẫn giúp châu Á sôi động.
Hoặc, bản thân các nền kinh tế trẻ, mới nổi, quy mô dân số trung bình ở Đông Nam Á như: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Philippines,… là không gian kinh tế rộng lớn có thể tiếp nhận và giải phóng nguồn lực chuyển ra khỏi Trung Quốc, đến từ Mỹ hoặc châu Âu.
“Thế kỷ của châu Á” vẫn cách chúng ta một vài thập kỷ tới, chúng ta sẽ còn chứng kiến rất nhiều điều mới mẻ ở châu lục này. Không chỉ là thành quả mà còn kéo theo những hệ quả trước khi chuyển giao sứ mệnh cho châu Phi!
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc "thu mình", ưu tiên nội lực kinh tế
02:30, 19/05/2023
Trung Quốc gỡ khó bất động sản và kinh nghiệm cho Việt Nam
01:00, 19/05/2023
"Nóng bỏng" cuộc tranh giành tài nguyên ở châu Phi
04:00, 30/04/2023
Mỹ - Trung "chạy đua" cạnh tranh năng lượng tại châu Phi
03:25, 20/04/2023
Toan tính của Trung Quốc khi củng cố ảnh hưởng tại châu Phi
14:46, 16/01/2023