Thế giới phân cực, trào lưu toàn cầu hóa bị chững lại cũng là lúc một số nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc, thực hiện chính sách “thu mình”, ưu tiên nội lực để chống chọi với khủng hoảng.
>> Kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ cứu nền kinh tế toàn cầu?
Tháng 4/2023, Trung Quốc thông qua Luật chống gián điệp (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh với thông điệp tăng cường “bảo vệ lợi ích quốc gia”. Điều này làm tăng thêm thách thức với công ty nước ngoài hoạt động tại đại lục, cũng như có liên đới đến hoạt động kinh doanh, buôn bán trên lãnh thổ Trung Quốc.
Luật chống gián điệp mới của Trung Quốc cho phép các cơ quan chức năng điều tra chống gián điệp có quyền truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử, thông tin về tài sản cá nhân, cũng như cấm các hoạt động di chuyển qua biên giới. Tấn công mạng nhắm vào các cơ quan nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng cũng được xếp vào “hành vi gián điệp”.
Hàng loạt công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực thông tin, dữ liệu tại Trung Quốc, như: Mintz, GroupBain & Company và Capvision Partners, bị “đột kích” tại các văn phòng ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh và Tô Châu vì lý do không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ bảo mật thông tin nhạy cảm về Trung Quốc.
Thương hiệu xe hơi Mini Copper trực thuộc tập đoàn BMW bị “tẩy chay” tại Trung Quốc liên quan đến que kem! Hai nhân viên làm việc tại phòng trưng bày của hãng từ chối mời kem khách Trung Quốc, nhưng lại mời kem với khách phương Tây. Vụ việc này đã bị “thổi” lên thành “phân biệt chủng tộc”.
Hàng loạt hãng thời trang như Adidas, Dolce & Gabbana đã “điêu đứng” vì họ bị “ghẻ lạnh” tại đại lục do lên tiếng về nguồn nguyên liệu và lao động sai tiêu chuẩn ở khu tự trị Tân Cương. Đây là một trong những vấn đề về nhân quyền mà Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh.
Giờ đây, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực hơn khi “chủ nghĩa dân tộc” kinh tế trên môi trường trực tuyến ngày càng gia tăng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang cũng như cạnh tranh với các thương hiệu bản địa cũng tăng lên.
>> Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng
Trong khi ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình chủ trương “Trung Quốc dấu mình chờ thời”, thì đến thế hệ lãnh đạo thứ 3, ông Tập Cận Bình chính thức công khai “trỗi dậy hòa bình”, bằng sự kiện Hội đàm Mỹ - Trung tại Alaska 2021, đánh dấu cột mốc 120 năm bứt phá kể từ Hiệp ước Tân Sửu ký kết năm 1901 với “bát quốc liên minh”.
Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hàng loạt chương trình hành động tiếp tục nuôi dưỡng “Giấc mộng Trung Hoa”. Nhưng Trung Quốc bắt đầu hướng nội, ưu tiên nội lực, phát huy tiềm năng quốc gia, chủ động nghiên cứu sáng tạo, làm chủ công nghệ tân tiến, độc lập với phương Tây về sản xuất chip, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật viễn thông,…
Trung Quốc đã ban hành Luật hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự, hạt nhân cũng như hàng hóa, dịch vụ và công nghệ có liên quan đến an ninh quốc gia nhằm đáp trả Mỹ và phương Tây đã “cấm cửa” công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường và công nghệ.
Dùng luật phản gián để kiểm soát công ty nước ngoài cũng là cách khôn ngoan của Trung Quốc bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Gia tăng quyền lực của Đảng Cộng sản trong chỉ huy và điều hành kinh tế - xã hội góp phần đưa ông Tập Cận Bình vào vị trí “trung tâm” sánh ngang với những người tiền nhiệm.
Rõ ràng, bắt đầu thực hiện đại kế hoạch 100 năm lần thứ 2, giới tinh hoa chính trị Trung Quốc muốn thay đổi cấu trúc kinh tế- chính trị một cách triệt để. Theo đó, kinh tế tuân phục chính trị; gạt bỏ thành phần kinh tế có yếu tố phương Tây; làm nổi bật “đặc sắc Trung Quốc”…
Hơn thế nữa, Bắc Kinh còn có nhiều toan tính riêng, ngày càng tách khỏi lộ trình do Mỹ và phương Tây hoạch định. Với đường lối khác biệt, nước này muốn tạo ra các thành quả đặc biệt, duy nhất để khẳng định khả năng “dẫn dắt” thế giới.
Người Trung Quốc nổi tiếng với câu nói “thiên cơ bất khả lộ”, do vậy họ kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến tình hình nội bộ, kể cả dữ liệu nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng, xu hướng tiêu dùng, hoạt động của doanh nghiệp bản địa,… Bởi vì, dạng thông tin này cấu thành dữ liệu lớn tạo ra trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo là những lĩnh vực mà Trung Quốc ráo riết chạy đua với Mỹ, bởi vì ai giành phần thắng cuộc chơi này sẽ là bá chủ thế giới trong phần còn lại của thế kỷ 21.
Có thể bạn quan tâm
"Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc
03:00, 08/03/2023
Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?
12:00, 27/02/2023
Kỳ vọng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc
03:38, 03/02/2023
Chờ đợi biến số kinh tế Trung Quốc năm 2023
05:30, 24/01/2023
Thách thức tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc
04:00, 03/01/2023
Nới lỏng zero-Covid, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?
02:30, 31/12/2022