Khủng hoảng ngân hàng sẽ "lây lan" toàn cầu?
Nhiều ngân hàng Mỹ phá sản đã khiến các nhà đầu tư tài chính hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu ngân hàng do lo ngại khủng hoảng ngân hàng sẽ lan rộng toàn cầu.
>> Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu: Liệu Việt Nam có bị nguy hiểm?
Làn sóng bán tháo cổ phiếu Ngân hàng chưa dừng lại ở Mỹ. Điều này khiến chỉ số Dow Jones chính thức giảm xuống dưới đường bình quân động 50 ngày; chỉ số “sợ hãi” (Fear Index) đang lấn át đối trọng “tham lam” (Greed Index). Rõ ràng, nhà đầu tư đang rỉ tai nhau nỗi sợ vô hình.
Bối cảnh khác năm 2008
Trả lời phỏng vấn Bloomberg vừa qua, Giám đốc điều hành Ngân hàng lớn thứ 3 thế giới, JP Morgan Chase, ông Jamie Dimon cho rằng: “nếu Washington rơi vào cảnh vỡ nợ cấp quốc gia, đó có thể sẽ là một thảm hoạ đối với nước Mỹ”. Theo logic thông thường với sự liên đới chặt chẽ với đồng USD trong mạng lưới tài chính toàn cầu hiện nay, có thể sẽ “xuất khẩu” khủng hoảng ra bên ngoài.
Cuộc họp khẩn cấp mà Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thực hiện định kỳ hàng tuần đã chuyển sang họp hàng ngày và giờ đây là 3 lần/ngày để bắt kịp với các diễn biến “nóng” trên thị trường tài chính, tiền tệ. Đó là cách là JP Morgan Chase chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tồi tệ sắp tới.
Còn nhớ vào tháng 3 năm nay, một ngân hàng lớn ở Mỹ là Silicon Valley chính thức phá sản, sau đó Signature Bank, Silvergate Bank, First Republic Bank “nối gót” Silicon Valley. Hàng loạt câu hỏi lớn đặt ra: Liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng lần này có lặp lại “cơn ác mộng” 2008?
Vào thời điểm phá sản, tổng tài sản của Silicon Valley (209 tỷ USD) và Signature Bank (gần 110 tỷ USD) chỉ bằng khoảng một nửa tài sản mà Lehman Brothers sở hữu (gần 640 tỷ USD). Ngay cả tài sản của Bear Stearns (gần 400 tỷ USD) cũng lớn hơn hai ngân hàng kia. Đó là chưa kể đến nhiều ngân hàng khác đã được chính phủ mua lại, tiếp nhận hoặc hỗ trợ (Merrill Lynch, Wachovia, Washington Mutual và AIG).
Từ góc độ thị trường, lĩnh vực tài chính là lĩnh vực có tỷ trọng lớn nhất trong S&P 500 vào năm 2008. Ngày nay, tỷ trọng này khoảng gần 13%, nhưng bị lấn át bởi lĩnh vực công nghệ (gần 25%). Do đó, mức độ và khả năng lây lan rủi ro nhỏ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
>> Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, rủi ro lan sang châu Á
Liệu có lan rộng?
Nguyên nhân các ngân hàng đổ vỡ nêu trên được chỉ ra là quản trị yếu kém, phần vốn đầu tư lĩnh vực rủi ro lớn, khả năng phân tích dự báo có vấn đề, khâu truyền thông thanh khoản chậm chạp…
Đấy không phải là lỗi hệ thống tài chính mà là sự cố ở một vài thị trường ngách, của một vài mô hình kinh doanh tài chính cụ thể và cũng là hệ quả tất yếu khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ và kéo dài. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng FED dường như đã chủ động tạo ra khủng hoảng để ngăn chặn lạm phát. Do đó, mức độ lây lan toàn cầu không cao.
Hơn nữa, hệ thống tài chính toàn cầu hình thành trên nền tảng ngân hàng phát triển đa phương, ngân hàng phát triển khu vực, ngân hàng phát triển song phương. Khách hàng là các tập đoàn kinh tế lớn, các quốc gia, chính phủ,… Mối quan hệ này vẫn được duy trì tốt, do vậy hệ thống tài chính quốc tế chưa bị xáo trộn.
Ngoài ra, các ngân hàng gặp khó khăn hiện nay ở Mỹ có cơ sở tiền gửi tập trung và quản lý rủi ro lãi suất kém, không nhất thiết là nợ xấu. Hơn nữa, Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã đảm bảo tiền gửi của các ngân hàng đổ vỡ, vì vậy tài sản không bị suy giảm nhiều, ít nhất là cho đến thời điểm này. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ rút tiền khỏi các ngân hàng trong tương lai.
Nhưng, một chi tiết rất đáng chú ý, JP Morgan Chase đã họp đánh giá tình hình liên tục, đã thâu tóm rất gọn gàng First Republic và có thể nhiều hơn. Liệu có bàn tay thao túng, tác động tâm lý xả cổ phiếu ngân hàng, dìm giá sau đó mua lại?
Gia tộc tài phiệt Rothschild đã từng “khởi nghiệp” theo cách như vậy, được Giáo sư Song Hong Bing mô tả trong cuốn sách “chiến tranh tiền tệ”. Năm 1815 diễn ra trận đánh Waterloo kinh điển giữa Napoleon và Wellington. Tình báo của Rothschild cố ý loan tin sai lệch, sau đó bán sạch công trái chính phủ Anh đến mức “rác”; đồng thời cho người thu mua toàn bộ.
Sàn giao dịch London lúc ấy không ai biết đó là cú lừa ngoạn mục. Trên thực tế, quân Anh thắng trận, công trái Anh là “vua”. Động thái trên đã giúp Rothschild đã thâu tóm toàn bộ tài sản của chính phủ Anh, sau đó tham gia vào quá trình tái thiết châu Âu cũng như kiểm soát nội các Anh - lũng đoạn thế giới suốt 1 thế kỷ.
Có thể bạn quan tâm
Trước thềm tăng lãi suất, Fed thừa nhận thất bại với khủng hoảng ngân hàng
16:22, 03/05/2023
Giá vàng tuần tới: Lực đẩy từ “cơn lốc” khủng hoảng ngân hàng
11:30, 26/03/2023
Khủng hoảng ngân hàng lan sang châu Âu, vàng tiếp tục tăng mạnh
11:12, 16/03/2023
Khủng hoảng ngân hàng tại Trung Quốc: Phản ứng dây chuyền có xảy ra?
04:50, 17/07/2022
Khủng hoảng ngân hàng tại Trung Quốc: Người dân có nhận lại được tiền?
05:00, 14/07/2022