Từ vụ bê bối các ngân hàng tại Hà Nam, Trung Quốc, nhiều ngân hàng nhỏ ở các khu vực khác cũng được cho là dễ bị ảnh hưởng nếu không thể kiểm soát rủi ro.
>>Khủng hoảng ngân hàng tại Trung Quốc: Người dân có nhận lại được tiền?
Theo các nhà phân tích, vụ bê bối đang diễn ra tại một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam và An Huy, Trung Quốc có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về rủi ro hệ thống tín dụng. Tác động của nó có nguy cơ gây ra hiệu ứng “quả cầu tuyết” (ngày càng lớn và nguy hiểm) nếu các cơ quan quản lý không kiểm soát được.
Trong bối cảnh nhiều người gửi tiết kiệm tại các ngân hàng tại hai địa phương trên không thể rút khoản tiết kiệm của mình, đồng thời xuống đường biểu tình để đòi quyền lợi, phía chính quyền địa phương đã thông báo sẽ bắt đầu hoàn trả cho một số nạn nhân có số tiền gửi lên tới 50.000 Nhân dân tệ (7.430 USD). Tuy nhiên, câu hỏi là khi nào những người gửi tiền sẽ nhận lại toàn bộ số tiền tiết kiệm của họ thì vẫn còn bỏ ngỏ.
SCMP đưa tin, đại diện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ông Sun Tianqi đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: “Ngân hàng trung ương đã chủ động hợp tác với các chính quyền và cơ quan quản lý địa phương để giải quyết vấn đề, đồng thời hướng dẫn các địa phương duy trì sự ổn định tài chính trong khu vực, giám sát rủi ro thanh khoản, cũng như thực hiện các hỗ trợ dự phòng. Nhìn chung, rủi ro tài chính chủ yếu nằm trong tầm kiểm soát và 99% tài sản ngân hàng của chúng tôi nằm trong ngưỡng an toàn.
Trước tình hình kinh tế tài chính trong và ngoài nước phức tạp, các cơ quan quản lý phải luôn cảnh giác cao độ và tiếp tục đề phòng hơn nữa. Đối với các hoạt động tài chính bất hợp pháp bị công chúng lên án, chúng tôi sẽ hành động nhanh chóng và kiên quyết để xử lý”.
Mặc dù các cơ quan quản lý khẳng định rủi ro tại các ngân hàng của Trung Quốc là thấp và có thể kiểm soát được, nhưng trong vài năm qua, họ đã phải liên tục tăng cường giám sát khu vực ngân hàng nhỏ. Trong báo cáo xếp hạng quý 4/2021, PBoC cho biết có 24 trong số 4.398 ngân hàng tham gia cuộc khảo sát được đánh giá là an toàn. 24 ngân hàng lớn chiếm 70% tổng tài sản của ngân hàng. Tổng số 316 được đánh giá là rủi ro cao, chỉ chiếm 1% tổng tài sản ngân hàng.
Người đứng đầu Văn phòng Ổn định Tài chính của PBoC xác nhận, các ngân hàng nông thôn ở Hà Nam nằm trong số những ngân hàng được đánh giá là có rủi ro cao. Cụ thể, việc công bố thông tin cổ đông kém minh bạch đã tạo điều kiện một số cá nhân thâu tóm cổ phần trong các ngân hàng mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Nhắc lại trường hợp của ngân hàng Baoshang Bank phá sản vào năm 2020, theo PBoC, các cổ đông bị phát hiện là đã can thiệp quá mức vào hoạt động kinh doanh hàng ngày cũng như các biện pháp kiểm soát rủi ro của ngân hàng. Trong đó, tập đoàn Tomorrow do doanh nhân người Canada gốc Hoa, Xiao Jianhua thành lập là người có 89% cổ phần tại Baoshang Bank, nhưng đã vay bất hợp pháp 156 tỷ Nhân dân tệ (23 tỷ USD) dưới hình thức 347 khoản vay, thông qua 209 công ty vỏ bọc từ năm 2005-2019. Tomorrow Group sau đó không thể trả các khoản nợ này và Xiao Jianhua sẽ phải đối mặt với phiên tòa ở Trung Quốc, nhưng các cáo buộc chống lại Xiao vẫn chưa được tiết lộ công khai.
Có thể thấy, vụ bê bối vỡ nợ ngân hàng xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang bị thách thức bởi những áp lực trong và ngoài nước bủa vây, Chính phủ nước này đã nhiều lần cảnh báo không để xảy ra rủi ro tài chính, ưu tiên ổn định kinh tế xã hội. Và bất kỳ sự sụp đổ nào cũng có thể tác động xấu đến niềm tin vào hệ thống tài chính do Chính phủ quản lý.
Đến nay, các cơ quan quản lý của Trung Quốc vẫn chưa chính thức hóa các tiêu chuẩn thống nhất để đối phó với các ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính. Như trong trường hợp của Baoshang Bank, giới chuyên gia khuyến nghị, cần có một nỗ lực phối hợp từ PBoC, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thuộc sở hữu Nhà nước để ngăn chặn tác động lan rộng đến hệ thống tài chính.
Rõ ràng ổn định hệ thống tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và Bắc Kinh trong nhiều năm, nhưng vào năm 2020, sau sự thất bại của Baoshang Bank, Thống đốc ngân hàng trung ương Yi Gang đã nhấn mạnh, Ngân hàng trung ương sẽ không tiết kiệm chi tiêu của Chính phủ, rồi dùng vào giải quyết rủi ro tài chính của các công ty gặp khó khăn có chính quyền địa phương hậu thuẫn.
>>Nhà đầu tư đang “mất hứng thú” với thị trường Trung Quốc
Theo SCMP, năm 2021, chính quyền Hà Nam đã vay 25,7 tỷ Nhân dân tệ (3,82 tỷ USD) thông qua trái phiếu chuyên dùng để bổ sung vốn cho 40 ngân hàng nhỏ của mình, trong đó có 1,85 tỷ Nhân dân tệ cho Ngân hàng Thương mại Nông thôn Xuchang. Các chính quyền địa phương khác như ở tỉnh Liêu Ninh, cũng đã phát hành ba đợt trái phiếu chuyên dùng với tổng trị giá 33,1 tỷ Nhân dân tệ kể từ năm ngoái để tái cấp vốn cho các ngân hàng địa phương.
Một cuộc họp báo của CBIRC vào tháng 5 cho biết, kể từ năm ngoái, các biện pháp kỷ luật đã được thực hiện đối với 63 giám đốc điều hành của các ngân hàng vừa và nhỏ ở Liêu Ninh, trong khi tỉnh này có 75 ngân hàng bao gồm cả ngân hàng thương mại ở thành phố và ngân hàng nông thôn.
Trong khi tin đồn về các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn tài chính không phải là hiếm ở Trung Quốc, niềm tin vào các ngân hàng nhỏ và nông thôn chắc chắn đã bị ảnh hưởng. Vào ngày 13/7, ngân hàng Hengfeng tại Sơn Đông, Trung Quốc cũng đã đưa ra một tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội Weibo phủ nhận tin đồn rằng, ngân hàng này đang đối mặt với tình trạng phá sản. Đồng thời đã thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cùng với đó, những đồn đoán về các vấn đề tài chính cũng xuất hiện tại Ngân hàng Nam Kinh sau khi Chủ tịch của ngân hàng này từ chức.
Xia Le, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại BBVA Research đánh giá, các chính quyền địa phương cần can thiệp, để ngăn chặn những vụ vỡ nợ quy mô lớn tại các ngân hàng nhỏ. Ngoài ra, phải có phản ứng phối hợp từ Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cùng PBoC nhằm quản lý và giảm thiểu sự rủi ro trong hệ thống tài chính trên toàn quốc.
Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng của các chính quyền địa phương là duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các vấn đề tài chính ngày càng gia tăng và họ phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý.
“Bắc Kinh đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022. Nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Chính phủ, cùng với nhiều yếu tố khác, dẫn đến các nhà phân tích đã điều chỉnh dự báo GDP của Trung Quốc theo chiều hướng giảm dần.
Song, Bắc Kinh vẫn luôn nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới các chính quyền địa phương rằng, họ cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế”, vị chuyên gia cho hay.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 16/07/2022
05:00, 14/07/2022
04:30, 06/07/2022
04:30, 10/06/2022