Sau F-16, Ukraine sẽ chạm tới "cây đũa thần" ATACMS?
Mỹ có thể nhân nhượng Ukraine trong vấn đề F-16, nhưng vẫn một mực từ chối cho phép Kiev tiếp cận ATACMS - thứ vũ khí được dự báo có thể thay đổi cục diện chiến sự Nga- Ukraine.
Lý do khiến Ukraine “thèm muốn” ATACMS
Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) là tên lửa tầm xa có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách hơn 300 km với đầu đạn chứa khoảng 170 kg chất nổ. Với ATACMS, quân đội Ukraine sẽ có một vũ khí có phạm vi hoạt động lớn gấp 4 lần Hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS).
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Cam kết của G7 có ý nghĩa gì với Ukraine?
Đặc biệt, các tên lửa ATACMS 610mm có khả năng thích ứng cao với bệ phóng HIMARS cũng như các hệ thống rocket M270 cũ hơn mà phương Tây đã gửi cho Kiev. Tuy nhiên, do ATACMS lớn hơn các loại tên lửa dẫn đường khác - dài khoảng 4 mét, rộng 0,6 mét và nặng khoảng 1,3 tấn - nên một bệ phóng di động như M142 HIMARS chỉ mang được một ATACMS.
Lợi ích của ATACMS cho Ukraine sẽ là không phải bàn cãi. Vũ khí mới sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu của Nga ở bất cứ đâu bên trong Ukraine, bao gồm gần như toàn bộ bán đảo Crimea.
Với tầm bắn xa, ATACMS có thể giúp làm giảm khả năng tấn công tầm xa của Nga vốn được sử dụng để nhắm vào các thành phố của Ukraine thời gian qua. Quan trọng nhất, quân đội Ukraine có thể phá hủy các đường sắt và cây cầu sâu hơn phía sau chiến tuyến của Nga nhằm cản trở khả năng hậu cần của Moscow.
Đặc biệt, quân đội Ukraine có thể sử dụng ATACMS để giữ tàu chiến Nga tại căn cứ hải quân ở Sevastopol ra xa bờ. Điều này sẽ giúp giảm khả năng Nga tiến hành các cuộc tấn công tên lửa từ biển cũng như khả năng phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine.
Với thành công ngoài sức tưởng tượng mà HIMARS đã chứng tỏ trên chiến trường, Ukraine kỳ vọng rất lớn vào khả năng của ATACMS để có thể giành thắng lợi trước Nga trong cuộc phản công sắp tới. Nhưng để thuyết phục Mỹ viện trợ "bảo bối" này không phải chuyện dễ dàng.
Sức ép với Mỹ đang tăng
Chính quyền Biden cho tới nay vẫn đưa ra nhiều lý do để bác bỏ khả năng gửi Kiev các hệ thống ATACMS, nhưng với các sức ép ngày càng tăng, Washington có thể sẽ phải cân nhắc lại quyết định của mình.
Thứ nhất, các quốc gia trụ cột của NATO đã bắt đầu gửi cho Kiev những vũ khí tương tự ATACMS. Đầu tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo rằng Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow có thể bắn trúng mục tiêu cách đó khoảng 250 km, hứa hẹn sẽ giúp Kiev nắm lợi thế lớn trong cuộc phản công sắp tới.
Sự nhiệt tình của các đồng minh sẽ khiến Mỹ không thể ngồi yên, tương tự như cách vận động xin các tiêm kích F-16 của Kiev. Mỹ ban đầu không chấp nhận, nhưng khi sức ép ngày càng lớn từ các đồng minh, Tổng thống Mỹ đã phải tuyên bố ủng hộ kế hoạch này trong hội nghị G7 tại Nhật Bản vừa qua.
Trong nước, các nhà lập pháp Mỹ cũng bắt đầu gây áp lực với Tổng thống Biden. Trong thư gửi Tổng thống, các nghị sĩ Joe Wilson, Steve Cohen và Victoria Spartz viết: “Một khi Ukraine giành được chiến thắng trong các điều kiện của mình, ATACMS, cùng với các vũ khí tầm xa và tiên tiến khác, sẽ là phương tiện chính để ngăn chặn và kiềm chế sự xâm lược của Nga trong tương lai”.
Một lý do quan trọng khác, đó là Mỹ cần một “luồng gió mới” cho quân đội Ukraine khi Nga dường như đã tìm ra cách khắc chế HIMARS.
Đầu tháng 5, CNN cho biết trong những tháng gần đây, hệ thống HIMARS ngày càng kém hiệu quả do Nga sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử, khiến các tên lửa trượt mục tiêu.
>>Chọn Hiroshima, G7 gửi thông điệp gì tới Trung Quốc và Nga?
Nếu không sớm có biện pháp khắc phục, quân đội Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ lớn sau khi đã dựa rất nhiều vào HIMARS để phòng thủ và tấn công các lực lượng Nga. Các khoản đầu tư lớn của Washington vào Kiev sẽ có nguy cơ "đổ sông đổ bể".
Với các chuyên gia, một mặt Mỹ cần nhanh chóng cập nhật các phần mềm dẫn đường khắc phục được biện pháp của Nga, mặt khác đây sẽ là "lý do" để Kiev đòi hỏi thêm các hệ thống ATACMS tân tiến và mạnh mẽ hơn để củng cố khả năng chiến thắng.
Có thể bạn quan tâm
Vụ Belgorod "đổ thêm lửa" vào chiến sự Nga - Ukraine
04:00, 29/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Cam kết của G7 có ý nghĩa gì với Ukraine?
04:00, 28/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do NATO chưa kết nạp Ukraine
04:00, 21/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức tham vọng của Trung Quốc
03:30, 20/05/2023