EU "nhắn nhủ" Nga điều gì qua Hội nghị EPC?
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) diễn ra vào ngày 1/6 tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, khiến nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa Nga và Châu Âu càng thêm rõ nét.
Trong khi chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang căng thẳng, thì EU lại có một động thái khác kích động Moscow, lần này là Hội nghị thượng đỉnh EPC được tổ chức ngày 1/6 tại Moldova.
Lời “thách thức”
Hôị nghị thượng đỉnh EPC lần thứ 2 của sáng kiến mới năm nay được tổ chức tại Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ với 2,6 triệu dân.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Cam kết của G7 có ý nghĩa gì với Ukraine?
Cũng giống Ukraine, chính phủ Moldova đang cố gắng tìm ra con đường trở thành thành viên EU dưới thời Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu. Một trong những thách thức lớn nhất cho tham vọng này là Nga. Nằm trong khu vực tranh giành ảnh hưởng giữa Brussels và Moscow, Moldova thường xuyên đối mặt với các vấn đề an ninh đến từ khu vực ly khai Transnistria do Nga hậu thuẫn.
Với việc tập hơn hơn 40 lãnh đạo châu Âu hàng đầu tại thủ đô Chișinău (Ki-si-nhốp - ND), EU muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết của khối trong việc đối phó với Nga.
Theo ông Anastasia Pociumban, nhà nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, hội nghị thượng đỉnh EPC thể hiện một cam kết “chưa từng có” đối với Moldova. Đồng thời, đây cũng là một nỗ lực khẳng định vị thế của Tổng thống Sandu.
Đó là một quyết định dũng cảm, bởi quốc gia này sẽ phải đối mặt với nguy cơ an ninh lớn. Cần nhớ rằng, vị trí địa lý của Moldova không phải là một nơi quá ổn định để tổ chức các sự kiện lớn. Quốc gia này nằm bên rìa Biển Đen, giáp Ukraine và có binh lính Nga đóng quân chỉ cách thủ đô 50 km.
Để đảm bảo an ninh cho sự kiện, Moldova đã đóng cửa không phận trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, và cho phép các máy bay giám sát của NATO hoạt động. Ngoài ra, hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ phải duy trì thời gian tại đây ngắn nhất có thể.
Theo các nhà báo quốc tế tham gia hội nghị, ngoài các hạn chế về hàng không, chính phủ Moldova nghiêm cấm các hoạt động của cư dân gần nơi tổ chức. Người dân địa phương được yêu cầu mang theo giấy phép đặc biệt để rời khỏi nhà, hay các nhà báo cũng chỉ được phép đến Lâu đài Mimi – nơi tổ chức hội nghị - trên hai chuyến tàu riêng.
Tham vọng mở rộng khối của EU
Với địa điểm hội nghị năm nay, rõ ràng EU đang chứng tỏ tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra bờ Đông của châu lục. EPC năm ngoái được tổ chức tại CH Séc, là lần đầu tiên sáng kiến mới đi vào hiện thực, nhằm mang lại không gian hợp tác "công bằng" cho các quốc gia, kể cả các nước không thuộc EU.
Với Moldova, chính phủ của Tổng thống Sandu rõ ràng muốn EU dành cho Moldova những “phần thưởng xứng đáng”. Bằng việc tổ chức chương trình năm nay, Moldova cho thấy họ phải đối mặt thường xuyên với những áp lực như thế nào từ Nga, qua đó đòi hỏi thêm những sự trợ giúp từ EU.
Sau nhiều năm nỗ lực vận động, Moldova đã chính thức được trao tư cách ứng cử viên cùng với Ukraine vào tháng 6/2022. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, cũng đã chia sẻ mong muốn của Moldova khi khai trương phái bộ dân sự mới của EU tại Chișinău.
Bộ trưởng Ngoại giao Moldova tuyên bố, địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh EPC là một dấu hiệu cho thấy Moldova quan trọng, đồng thời cho thấy toàn bộ Lục địa đứng về phía Moldova và Ukraine tại thời khắc khó khăn này trong lịch sử châu Âu.
Tuy nhiên, việc tăng tốc cho Moldova gia nhập EU cũng sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức lớn cho cả Moldova và EU.
Với Moldova, quốc gia này chắc chắn sẽ phải tiến hành nhiều cải cách hệ thống tư pháp và thể chế nhà nước. Chính quyền của bà Sandu đang thúc đẩy điều này, với mục tiêu chống tham nhũng và tăng cường dân chủ nhân quyền theo các tiêu chuẩn của châu Âu. Thế nhưng, những tiến bộ là không phải một sớm một chiều, và theo các nhà phân tích, mốc đàm phán gia nhập EU cuối năm 2023 là không chắc chắn.
>>Chiến lược "con nhím" sẽ giúp NATO kiềm chế Nga?
Khi chiến sự Nga- Ukraine chưa nguôi, việc EU lôi kéo một không gian hậu Liên Xô khác cũng sẽ khiến Nga thêm phần tức giận. Bài học Ukraine có thể sẽ khiến EU phải cân nhắc khi thúc đẩy quá nhanh tiến trình gia nhập khối của các quốc gia Đông Âu.
Nga và Moldova lâu nay vẫn có nhiều bất đồng xung quanh khu vực Transnistria. Nằm trong lãnh thổ của Moldova, nhưng chính quyền Transnistria lại thân Nga và đòi tự trị. Cho tới nay, Nga vẫn tiếp tục duy trì một số lực lượng quân sự ở Transnistria và cung cấp hỗ trợ kinh tế cho khu vực này, trong khi Moldova cũng đòi lấy lại quyền kiểm soát đầy đủ lãnh thổ của mình.
Có thể bạn quan tâm