Hàn Quốc toan tính gì khi mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương?

CẨM ANH 20/06/2023 03:39

Hội nghị thượng đỉnh gần đây của Hàn Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của nước này.

>>Chiến sự Nga - Ukraine: Lộ diện "nhân tố mới" Hàn Quốc

Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên với các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên với các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc- các đảo Thái Bình Dương được tổ chức tại Seoul vào tháng trước đã chứng kiến các thỏa thuận về mở rộng hợp tác trong phát triển kinh tế, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Do-woon cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết tăng cường hỗ trợ cho từng quốc đảo ở Thái Bình Dương, đồng thời nói rõ rằng Seoul tôn trọng độc lập và chủ quyền của tất cả các quốc gia cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Hàn Quốc cam kết tăng gấp đôi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các quốc đảo Thái Bình Dương, lên 39,9 triệu USD vào năm 2027, đồng thời tăng cường nỗ lực cung cấp hỗ trợ tài chính, công nghệ và các hỗ trợ khác để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Peter Lee, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney, cho biết sự gắn kết ngày càng tăng của Seoul với khu vực Thái Bình Dương phản ánh mong muốn đảm nhận vai trò mở rộng hơn và hiện thực hóa tham vọng trở thành một “quốc gia chủ chốt toàn cầu”.

“Hàn Quốc nhận ra rằng họ có thể có những đóng góp quan trọng cho các đảo ở Thái Bình Dương cùng với các đối tác truyền thống như Mỹ và Úc”, ông Lee nói. Đồng thời, ông Lee lưu ý rằng, chính quyền của cựu Tổng thống Moon không tập trung vào Thái Bình Dương. Do đó, đây là khu vực mà chính quyền ông Yoon có thể tạo sự khác biệt bằng những ý tưởng và sự hợp tác mới.

Sự can dự của Seoul với các đảo ở Thái Bình Dương cũng có thể đưa ra một cách tiếp cận độc đáo của Hàn Quốc đối với các vấn đề khu vực như phát triển kinh tế, an ninh năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tổng thống Yoon Suk-yeol lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về một “quốc gia chủ chốt toàn cầu” trong một bài báo trên Foreign Affairs vào tháng 2 năm ngoái khi vẫn còn là ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc. Theo đó, ông kêu gọi Hàn Quốc áp dụng chính sách đối ngoại mới “rõ ràng và táo bạo”.

Tuyên bố mong muốn biến đất nước thành một quốc gia đặt tự do, giá trị và tuân thủ các quy tắc quốc tế vào trung tâm của chính sách ngoại giao, ông Yoon cho biết cách tiếp cận mới này sẽ liên quan đến việc tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời có lập trường đối trọng hơn đối với Trung Quốc.

>>Các nhà đầu tư Hàn Quốc lánh xa Trung Quốc, tiếp cận Ấn Độ

Hội nghị

Hội nghị  thượng đỉnh Hàn Quốc-Các đảo Thái Bình Dương

Ông Erik Mobrand, chuyên gia cấp cao tại Rand Corporation có trụ sở tại California, cho biết trong quá khứ, Hàn Quốc có rất ít lợi ích ngoại giao ở khu vực bên ngoài Đông Bắc Á. Tuy nhiên, giờ đây Seoul đưa ra các cam kết hỗ trợ đối với các đảo Thái Bình Dương, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, sẽ phát huy thế mạnh của Hàn Quốc; đồng thời đưa ra các biện pháp đối phó với các mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu mà các quốc đảo ở Thái Bình Dương phải đối mặt. Điều này có thể lấp đầy khoảng trống trong nhu cầu của khu vực.

Các hòn đảo ở Thái Bình Dương đang trải qua mực nước biển dâng cao, hạn hán và bão ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, đồng thời gây thiệt hại cho các rạn san hô và nghề cá do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm, ông Alexander M. Hynd, thành viên không thường trực tại Diễn đàn Thái Bình Dương đánh giá, Seoul đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới và tạo ra các diễn đàn khu vực mới, nơi họ có thể thể hiện vai trò lãnh đạo của cường quốc hạng trung đối với sự phát triển và đối phó khủng hoảng khí hậu.

“Khu vực các đảo ở Thái Bình Dương đáp ứng cả hai tiêu chí này,” ông Hynd nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong bối cảnh các cường quốc khu vực đang tranh giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, việc Seoul đảm bảo rằng các lợi ích an ninh cốt lõi của mình được các quốc gia này cân nhắc là điều hợp lý.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường can dự với khu vực này thông qua mở rộng quan hệ kinh tế. Nước này cũng đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon vào năm 2022. Tương tự, Mỹ đã đáp trả bằng cách tăng cường viện trợ cho khu vực, mở đại sứ quán ở Vanuatu và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên vào năm ngoái.

Nhận định về vấn đề này, ông Andrew Yeo, một thành viên cao cấp và là chủ tịch của Quỹ SK-Hàn Quốc về nghiên cứu Hàn Quốc tại Viện Brookings, cho biết mối quan tâm gần đây của Seoul đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc đang ngày một gia tăng sự hiện diện tại đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Các nhà đầu tư Hàn Quốc lánh xa Trung Quốc, tiếp cận Ấn Độ

    Các nhà đầu tư Hàn Quốc lánh xa Trung Quốc, tiếp cận Ấn Độ

    03:30, 11/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Lộ diện

    Chiến sự Nga - Ukraine: Lộ diện "nhân tố mới" Hàn Quốc

    04:00, 27/04/2023

  • Nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tăng đầu tư vào công nghệ cao

    Nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tăng đầu tư vào công nghệ cao

    04:10, 23/04/2023

  • Microsoft đầu từ vào startup phát triển trò chơi Web3 Hàn Quốc

    Microsoft đầu từ vào startup phát triển trò chơi Web3 Hàn Quốc

    03:23, 05/11/2022

CẨM ANH