Chiến sự Nga - Ukraine có dấu hiệu xuất hiện một bước ngoặt mới, với việc Hàn Quốc có thể gia nhập liên minh ủng hộ và cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo cho Kiev.
Ngay trước chuyến thăm Mỹ vào ngày 24/4 vừa qua, đích thân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk- yeol tuyên bố sẽ xem xét thêm các viện trợ ngoài hỗ trợ nhân đạo và tài chính cho Ukraine, nếu Seoul thấy cần thiết phải tham gia để giảm bớt các thiệt hại cho dân thường tại Ukraine.
Tuyên bố của ông Yoon là một tín hiệu được Washington và NATO hoan nghênh, khi mà khối liên minh quân sự đang gặp nhiều khó khăn trong huy động đủ số vũ khí mà Ukraine đang cần.
Ít người biết rằng, Hàn Quốc đang sở hữu kho đạn và vũ khí thuộc hàng lớn nhất thế giới. Theo các nguồn tin, có ít nhất nửa triệu quả đạn pháo nằm trong kho vũ khí của Hàn Quốc, chưa kể hàng nghìn khẩu pháo và các khí tài khác.
>>Lúa mỳ Ukraine - "ngọn lửa" âm ỉ mới trong lòng châu Âu
Dù là một cường quốc về kinh tế sáng tạo, nhưng việc Hàn Quốc sở hữu một kho vũ khí khổng lồ không làm các chuyên gia về quan hệ quốc tế ngạc nhiên. Căng thẳng dai dẳng giữa hai miền Triều Tiên là lý do chính khiến hai bên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ. Đây là hai lực lượng pháo binh lớn nhất thế giới, với hàng ngàn khẩu pháo lớn chĩa vào nhau qua khu vực phi quân sự ngăn cách hai miền.
Ông Joost Oliemans, chuyên gia vũ khí, đồng tác giả cuốn sách “Các lực lượng vũ trang của Triều Tiên”, cho rằng kho dự trữ vũ khí của cả hai miền Nam và Bắc dễ dàng vượt quá một triệu quả đạn pháo các loại.
Seoul cũng là một cường quốc công nghiệp vũ khí với những cái tên nổi tiếng như tập đoàn Huyndai. Xe tăng chiến đấu cao cấp K2 và hệ thống pháo tự hành K9 là những mặt hàng bán chạy nhất cho Đông Âu, và một phần trong đó đã được các nước láng giềng chuyển cho Ukraine.
“Rõ ràng, Hàn Quốc là nhà sản xuất thiết bị quân sự rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm ra những cách thức để Hàn Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong những gì đang xảy ra ở Ukraine”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.
Chiến sự Nga – Ukraine và sự thiếu hụt nguồn cung đạn dược của NATO hóa ra lại trở thành cơ hội để Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu vũ khí. Xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 140% vào năm 2022, bao gồm một thỏa thuận vũ khí lớn với Ba Lan trị giá gần 6 tỷ USD và một thỏa thuận vũ khí mới tiềm năng với Romania trong năm nay.
Các tài liệu mới bị rò rỉ của Mỹ cho thấy Seoul đang xem xét bán 330.000 viên đạn pháo 155 mm cho Ba Lan. Ngay trong tháng 4 này, Seoul cũng đã đồng ý cho Mỹ “mượn” 500.000 viên đạn pháo 155 mm, giúp Washington có thêm nguồn lực để viện trợ cho Ukraine.
Vào tháng 12 năm ngoái, Ba Lan đã nhận được 10 xe tăng K2 và 24 pháo tự hành K9 của tập đoàn Hyundai Rotem và Hanwha Defense Systems, đây là phần đầu tiên của thỏa thuận đã nêu.
Mặc dù tuyên bố của ông Yoon không phải là lời khẳng định về sự tham gia trực tiếp của Hàn Quốc vào chiến sự Nga – Ukraine, nhưng nó chắc chắn sẽ gây ra chia rẽ lớn cả trong và ngoài nước.
Ngay sau khi ông Yoon đưa ra tuyên bố, ông Lee Jae- myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc, đã chỉ trích mạnh mẽ thông điệp này, cho rằng nó sẽ thúc đẩy Moscow hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Bắc Triều Tiên và khiến tình hình an ninh bán đảo trở nên phức tạp hơn.
>>Tranh cãi tình báo Nga - EU hé lộ nhiều "bí ẩn" ở Biển Bắc
Lo lắng này không phải là thiếu cơ sở. Trước đó, đã có nhiều thông tin cho thấy Nga đang mua thêm nhiều đạn pháo và tên lửa từ Bình Nhưỡng bổ sung cho kho đạn đang tiêu hao quá nhanh. Với việc Hàn Quốc can dự vào chiến sự Nga- Ukraine, Nga và Bắc Triều Tiên càng có cớ để đẩy mạnh hoạt động trao đổi vũ khí.
“Tôi tự hỏi cư dân Hàn Quốc sẽ nói gì khi thấy những thiết kế vũ khí mới nhất của Nga trong tay những người hàng xóm Bắc Triều Tiên của họ?, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, cho biết trong một bài đăng trên Telegram.
Dù vậy, việc ông Yoon đưa ra một “lằn ranh đỏ” – “nếu Nga tấn công vào thường dân”– là điều kiện để việc cung cấp vũ khí trở thành bước đi khôn ngoan trong bối cảnh chính quyền mới đang xích lại gần Mỹ hiện nay.
Chuyến thăm Nhà Trắng của ông Yoon trùng với dịp kỷ niệm 70 năm liên minh Mỹ-Hàn và hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Ông Yoon cũng sẽ là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đến thăm Nhà Trắng trong hơn một thập kỷ qua. Hàn Quốc cũng đang tìm cách tăng cường ngoại giao với châu Âu, qua việc ông Yoon trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 năm ngoái.
Do đó, động thái này không chỉ giúp vị thế của Hàn Quốc gia tăng đáng kể trong mắt liên minh. Xa hơn, Seoul sẽ có nhiều đòn bẩy hơn trong huy động hỗ trợ của Mỹ và phương Tây trước các thách thức an ninh châu Á mới nổi từ vấn đề Bắc Triều Tiên hay sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm