Kế hoạch tái thiết Ukraine sẽ được thực hiện như thế nào?

CẨM ANH 22/06/2023 15:29

Ukraine cần sự giúp đỡ, không chỉ trên chiến trường, mà còn về đầu tư tư nhân và công cộng cho việc tái thiết đất nước hậu chiến tranh.

>>Tổng thống Mỹ dự báo "đáng sợ" về chiến sự Nga - Ukraine

Chi phí cho công cuộc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột với Nga dự kiến có thể lên đến 411 tỷ USD

Chi phí cho công cuộc tái thiết Ukraine sau xung đột với Nga dự kiến có thể lên đến 411 tỷ USD

Ngân hàng Thế giới, cùng với chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu và Liên Hợp Quốc, đã ước tính chi phí tái thiết và phục hồi kinh tế Ukraine sau một năm chiến tranh là 411 tỷ đô la (323 tỷ bảng Anh), cao gấp 2,6 lần GDP của Ukraine trong năm 2022.

Trong đó gồm ước lượng thiệt hại vật chất trực tiếp về cơ sở hạ tầng, những tác động đến cuộc sống và sinh kế của người dân, chi phí để tái thiết tốt hơn. Con số này tăng mạnh so với mức ước tính 349 tỷ USD được đưa ra hồi tháng 9/2022.

Dự kiến, con số này sẽ ngày một tăng cao hơn, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị cũng đã cảnh báo rằng, công cuộc tái thiết của Ukraine sẽ không chỉ đơn giản là "gạch và vữa".

Cho đến nay, EU đã bơm 30 tỷ euro (26 tỷ bảng Anh) vào Ukraine, chuyển tiền mặt từ các quỹ năng lượng và liên kết để đối phó với cuộc khủng hoảng. Gần đây nhất, khối đã cam kết cung cấp thêm 50 tỷ euro cho các khoản vay và trợ cấp. Tuy nhiên, gói trợ cấp mới đây sẽ được phân bổ trong bốn năm với mục tiêu là giúp ổn định tài chính của đất nước chứ không phải xây dựng lại các thị trấn và thành phố đã bị phá hủy.

Một số ý kiến cho biết, sẽ còn một chặng đường dài để đáp ứng yêu cầu của Ukraine về số tiền lên tới 40 tỷ đô la Mỹ cho phần đầu tiên của chương trình có tên gọi là “kế hoạch Marshall xanh”. Ông Odile Renaud-Basso, chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), nói với các phóng viên tại Brussels gần đây rằng: “Bạn không biết chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu, liệu những gì bạn đầu tư vào có bị phá hủy vào tuần sau hay không. Vì vậy, việc tiến hành chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ukraine sẽ rất khó khăn".

Ngoài ra, ông Marcin Korolec là giám đốc Viện Kinh tế Xanh cho rằng, việc tái thiết Ukraine nên tuân theo nguyên tắc "Xây dựng lại tốt hơn" (Build Back Better). Trước hết, quá trình tái thiết nên được định hướng theo hướng đảm bảo sự độc lập về cấu trúc của Ukraine với Nga. Cụ thể, ông cho biết, Ukraine cần giảm việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch. "Các ngôi nhà, nền kinh tế và ngành công nghiệp của Ukraine nên dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo hoặc năng lượng hạt nhân trung hòa carbon của chính họ", ông Korolec nói.

>>Vì sao Ukraine cần đẩy nhanh cuộc phản công?

Chi phí cho công cuộc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột với Nga dự kiến có thể lên đến 411 tỷ USD

Chi phí cho công cuộc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột với Nga dự kiến có thể lên đến 411 tỷ USD

Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống năng lượng mới cho Ukraine là một thách thức về đầu tư, tổ chức, chính trị và xã hội. Đảm bảo một khu vực nhà ở không sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một nhiệm vụ to lớn. Do đó, điều này cần sự hỗ trợ từ một số quốc gia châu Âu và các tổ chức phi chính phủ để lắp đặt các tấm pin mặt trời nhằm cung cấp các nguồn năng lượng thay thế với giá cả phải chăng.

Bên cạnh đó, Đại sứ Ukraine tại EU, ông Vsevolod Chentsov cho biết trong tuần này tại Brussels, quốc gia này không chỉ cần vốn đầu tư vào xây dựng các nhà máy, nông nghiệp và công nghệ thông tin, mà còn vào sức khỏe người dân. "Vốn con người mới là chìa khóa để Ukraine có thể nhanh chóng phục hồi", ông nói thêm.

Giám đốc Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch Peter Klanso, phát biểu tại một hội nghị tại châu Âu rằng ước tính có khoảng 9 triệu người tại Ukraine bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, cả binh lính và thường dân. Ông cho biết rằng những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ bị “thiệt thòi hơn nữa” nếu tiếng nói của họ không được lắng nghe. Và kế hoạch phục hồi cũng phải tìm cách tiếp cận họ.

Hiện nay, các chủ thể chính tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sẽ là Liên minh Châu Âu, Mỹ và có thể là các nước OECD khác, chẳng hạn như Nhật Bản, Canada và Úc, cùng các tổ chức tài chính quốc tế, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Với sự tham gia của các quốc gia và tổ chức từ bên ngoài EU, điều này đang đặt ra nhu cầu cần có sự phối hợp hành động để tránh việc tài trợ cho các dự án tái thiết có thể gây rắc rối. Các chuyên gia cho rằng, có thể thành lập một hội đồng giám sát độc lập để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, đồng thời tăng cường niềm tin của công chúng vào việc quản lý quá trình tái thiết Ukraine.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Ukraine cần đẩy nhanh cuộc phản công?

    Vì sao Ukraine cần đẩy nhanh cuộc phản công?

    03:30, 22/06/2023

  • Tổng thống Mỹ dự báo

    Tổng thống Mỹ dự báo "đáng sợ" về chiến sự Nga - Ukraine

    04:30, 21/06/2023

  • Ukraine phản công: Bước tiến nhỏ, thách thức lớn

    Ukraine phản công: Bước tiến nhỏ, thách thức lớn

    04:00, 21/06/2023

  • "Gốc rễ" của chiến sự Nga - Ukraine

    04:30, 20/06/2023

  • Đổ vỡ mật ước Nga - Ukraine phút chót

    Đổ vỡ mật ước Nga - Ukraine phút chót

    05:00, 19/06/2023

CẨM ANH