Thạm vọng mở rộng BRICS của Trung Quốc sẽ "phản tác dụng"?

TRƯỜNG ĐẶNG 25/06/2023 04:00

Một số thành viên trụ cột BRICS, như Ấn Độ và Brazil, đang lo ngại việc mở rộng khối sẽ không phải là dấu hiệu gia tăng sức mạnh nhóm, mà là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng Khối BRICS.

Trong bối cảnh sự phân cực và phi toàn cầu hóa đang gia tăng mạnh mẽ, vai trò của khối các nước mới nổi, như BRICS đã trở nên ngày càng quan trọng. BRICs từ một liên minh chịu nhiều nghi ngờ khi mới thành lập, giờ đây các chuyên gia phải bất ngờ trước sự gia tăng về quy mô và ảnh hưởng của khối này.

Bất đồng xung quanh vấn đề mở rộng

Chính vì lẽ đó, ngày càng nhiều các nước “không thân thiện” với Mỹ ngỏ ý muốn gia nhập khối BRICS, như Bangladesh, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Uruguay. Nhưng chính điều này lại đang dẫn tới một vấn đề không nhỏ -  sự lo ngại về quyền lực của Trung Quốc đối với các vấn đề của BRICS.

>>Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây

Theo các chuyên gia, nhóm 5 nước BRICS đang phải đối mặt với sự bất đồng lớn nhất kể từ khi thành lập 14 năm trước. Việc Trung Quốc muốn kết nạp thành viên mới và thể hiện tham vọng biến BRICS thành một liên minh do Bắc Kinh lãnh đạo không nhận được sự hưởng ứng của một số nước còn lại.

Brazil và Ấn Độ từ lâu đã cảnh giác với việc kết nạp thêm thành viên mới vào BRICS, vì họ thấy nhóm có ít lợi ích hơn từ việc có thêm những quốc gia ít tầm ảnh hưởng. Ngoài ra, việc mở rộng sẽ kéo theo việc suy giảm tầm ảnh hưởng của Brazil và Ấn Độ trong nhóm.

Trong mắt Brasilia và New Delhi, các thành viên mới đang muốn tham gia BRICS chủ yếu là để tiếp cận dễ dàng hơn với Bắc Kinh, khiến các quan điểm của BRICS sẽ xoay quanh Trung Quốc nhiều hơn và có khả năng ít ôn hòa hơn.

Trước đây, không có quy trình đăng ký chính thức, hoặc tiêu chí cụ thể, để trở thành thành viên BRICS. Một số quốc gia chỉ đơn giản được thêm vào danh sách các thành viên tiềm năng trong tương lai sau khi bày tỏ sự quan tâm không chính thức. Nam Phi là một ví dụ, được Trung Quốc thêm vào nhóm năm 2010, vì theo các chuyên gia, Bắc Kinh muốn tạo một cửa ngõ để tiến vào châu Phi.

Ấn Độ có thể mất vị thế và tầm ảnh hưởng nếu BRICS kết nạp thêm các thành viên mới

Ấn Độ có thể mất vị thế và tầm ảnh hưởng nếu BRICS kết nạp thêm các thành viên mới

Về lý thuyết, mỗi thành viên BRICS có quyền phủ quyết đối với các quyết định của nhóm. Nhưng trên thực tế, sự bất đối xứng sâu sắc giữa Trung Quốc và phần còn lại đang hiện rõ. GDP của Bắc Kinh lớn hơn tất cả các thành viên khác cộng lại đã tạo ra các hệ thống phân cấp không chính thức.

Không có sự đồng tình của Trung Quốc, sáng kiến phân nhóm IBSA (gồm Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đã trở nên vô nghĩa. Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo IBSA lần thứ 10, dự kiến sẽ diễn ra diễn ra vào năm 2013, đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Rủi ro trong một liên minh

Nhiều chuyên gia cho rằng sự hoài nghi của Ấn Độ và sự phản đối của Brazil là có cơ sở. Không chỉ về tính độc lập và địa vị, việc thu nạp một loạt các quốc gia có quan hệ thân thiện với Trung Quốc và căng thẳng với phương Tây, như Iran, Syria và Venezuela, có nguy cơ khiến lập trường không liên kết của 2 cường quốc trên bị phá vỡ.

Với trục Bắc Kinh – Moscow là trụ cột và được bổ sung bởi các quốc gia này sẽ đẩy căng thẳng gia tăng với phương Tây lên một tầm mức mới, mà trong đó các tiếng nói phản đối như New Delhi và Brasilia sẽ bị áp đảo.

Brazil cũng là một bên lo ngại khối có thể trở thành một liên minh chống phương Tây

Brazil cũng là một bên lo ngại khối BRICS có thể trở thành một liên minh chống phương Tây

Theo phân tích của ông Oliver Stuenkel, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Getulio Vargas Foundation ở São Paulo, chìa khóa thành công của BRICS cho tới nay là “khả năng vượt qua những bất đồng nội bộ và tập trung vào các chủ đề thống nhất, chẳng hạn như mong muốn xây dựng một thế giới đa cực hơn và tăng cường quan hệ Nam-Nam”. Khả năng đó có thể trở nên phức tạp hơn với liên minh do Trung Quốc dẫn đầu gia tăng.

Từ lâu, mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Hay Nga muốn BRICS thành một khối chống phương Tây trong khi Brazil không muốn như vậy. Những khó khăn của Nam Phi trong chuẩn bị tổ chức thượng đỉnh BRICS sắp tới là minh chứng cho mối liên hệ phức tạp cả trong và ngoài khối BRICS.

>>Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?

Là một bên của Quy chế Rome, điều lệ thành lập của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Nam Phi có nghĩa vụ phải bắt giữ Tổng thống Nga V.Putin - người bị ICC truy tố. Nhưng làm điều đó có nghĩa là phá vỡ mối quan hệ với BRICS.

Các cường quốc khác có quyền lo ngại về sự mở rộng BRICS ngày càng xoay quanh Trung Quốc, bởi điều đó không chỉ cho phép Bắc Kinh quyết định chiến lược tổng thể của khối, mà còn là dấu hiệu của một trật tự lưỡng cực, thay vì đa cực như từng mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

  • BRICS và tham vọng

    BRICS và tham vọng "tiền tệ siêu quốc gia" để loại bỏ USD

    04:30, 01/09/2022

  • Nga xoay trục sang BRICS để

    Nga xoay trục sang BRICS để "né đòn" của Mỹ và phương Tây

    04:30, 24/06/2022

  • BRICS tung đòn soán ngôi “vua tiền tệ” của USD

    BRICS tung đòn soán ngôi “vua tiền tệ” của USD

    04:30, 08/04/2023

  • Đồng tiền chung của BRICS dễ thành hiện thực?

    Đồng tiền chung của BRICS dễ thành hiện thực?

    04:30, 11/04/2023

TRƯỜNG ĐẶNG