OPEC+ "rạn nứt", Nga soán ngôi Saudi Arabia
OPEC+ liên tục cắt giảm sản lượng dầu nhưng Nga mới là phía hưởng lợi nhiều nhất khi từng bước thâu tóm thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
>>OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu, ai hưởng lợi?
Chiến sự Nga - Ukraine tạo ra xung lực rất mạnh, phá vỡ trật tự quyền lực trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đáng kể nhất là hục hặc quan hệ Mỹ - Saudi Arabia về vấn đề giá dầu, nguồn thu của Nga và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow.
Theo đó, Saudi Arabia - thành viên quan trọng nhất của OPEC+ đã hai lần cắt giảm sản lượng dầu, tổng cộng 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% tổng nhu cầu toàn cầu. Tại cuộc họp mới đây tại Áo ngày 4/6, OPEC+ tiếp tục đạt được cam kết cắt giảm sản lượng lần thứ 3 suốt cả năm 2024.
Việc Tổ chức này cắt giảm sản lượng dầu nhằm mục đích “ổn định thị trường dầu mỏ”, kéo giá dầu không rớt sâu hơn, đảm bảo an ninh kinh tế, nguồn thu chính của hàng chục quốc gia thành viên.
Trong điều kiện này, Nga cảm thấy được an ủi nhất! Vì sao? Nga đã mất hết thị trường khổng lồ châu Âu, bị G7 áp giá trần, bị từ chối bảo hiểm vận tải toàn cầu. Nền kinh tế xương sống của Nga trước nguy cơ sụp đổ, kéo theo hệ lụy không đủ chi phí trang trải cho chiến trường Ukraine.
Nói cách khác, OPEC+ chấp nhận “bỏ rơi” Mỹ để giữ giá dầu đã giúp Moscow duy trì nguồn thu đủ tốt để không lâm vào cảnh cạn kiệt ngân khố. Điều này cực kỳ quan trọng với Tổng thống Putin. Ở thập niên 80, Saudi Arabia đã từng “nghe lời” Mỹ, dùng dầu mỏ khiến Liên Xô thâm hụt ngân sách, một trong những nguyên nhân dẫn đến sụp đổ vào 1991.
Khi thị trường dầu mỏ bị thu hẹp, Nga trông cậy vào hai nhà nhập khẩu khổng lồ tại châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc - với khối lượng giao dịch (được công khai) nhiều chưa từng thấy, với giá rất rẻ.
Trung Quốc mua dầu Nga ở mức giá dưới 80USD/thùng; còn với những loại dầu chất lượng thấp hơn, các công ty Nga chào bán tại Ấn Độ chỉ 35USD/thùng – là dầu thô Ural có hàm lượng lưu huỳnh cao.
Do khó khăn kinh tế, ít bạn hàng, giao dịch phức tạp, lại sở hữu trữ lượng dầu mỏ quá lớn, nên bên cạnh áp lực chi phí chiến tranh, Nga sẵn sàng bán dầu với mức làm hài lòng tối đa khách hàng.
>>Khủng hoảng Ukraine: Phép thử cho OPEC +?
Như vậy, đã xảy ra vết nứt trong OPEC+, dầu Nga leo lên chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc. Cụ thể, dầu Nga hiện chiếm khoảng 14% nguồn cung dầu của Trung Quốc, tăng từ 8,8% trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra - theo công ty cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler. Trong khi đó, từ tháng 3-5/2023, thị phần của Saudi Arabia đã giảm xuống còn 14,5%.
Việc đảo ngôi dẫn đầu tại Ấn Độ thậm chí còn kịch tích hơn khi Saudi Arabia hiện chỉ còn nắm giữ 13% thị phần dầu ở Ấn Độ, giảm từ 20% so với trước chiến tranh Ukraine. Trong khi đó, Nga hiện chiếm khoảng 40% nhập khẩu dầu của Ấn Độ, tăng từ mức chỉ 3% trước chiến tranh.
Mất thị phần, Saudi Arabia và các thành viên OPEC sẽ bị thiệt hại, điều này có thể khiến Moscow và Ryadh một lần nữa rơi vào mâu thuẫn, thậm chí tái hiện cuộc chiến dầu mỏ như đã từng xảy ra rất nhiều lần giữa hai cường quốc năng lượng này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh nguy cơ mất phần, Saudi Arabia sẽ cùng đồng minh Trung Đông tăng chiết khấu cho khách hàng. Điều này có nguy cơ dẫn đến cuộc đua xuống đáy, cộng hưởng với khủng hoảng kinh tế, khiến giá dầu sẽ về mức rất thấp trong thời gian tới.
Với những tác động địa chính trị xa hơn, Saudi Arabia sẽ không cùng chí hướng với Nga trên thị trường dầu mỏ; có thể tự mình giải quyết bài toán giá cả, thậm chí trả đũa Nga. Nếu Moscow cô độc trong tình hình này sẽ là dự báo không tốt!
Có thể bạn quan tâm