"Kế hoạch B" của Ukraine sau khi Nga phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc

TRƯỜNG ĐẶNG 19/07/2023 04:00

Sau khi Nga rút lui khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực toàn cầu, câu hỏi đặt ra là Ukraine đã có giải pháp nào để thay thế?

Ukriane có thể cậy nhờ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ?

Ukriane có thể cậy nhờ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ

Bất chấp những lời kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian, Nga đã quyết định không tiếp tục tham gia thỏa thuận này. Động thái bất ngờ này khiến phương Tây và Kiev đau đầu tìm ra một "kế hoạch B" cho kho lương thực khổng lồ của Kiev trong thời gian tới. Theo nhiều chuyên gia, họ sẽ có một số phương án thay thế.

>>JEF - "lối thoát" cho an ninh Ukraine hậu chiến sự

Thứ nhất, thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra bảo đảm an ninh. Việc không tiếp tục tham gia thỏa thuận ngũ cốc cho phép hải quân Nga gia tăng sức ép với các tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua eo biển Đen. Với các chuyên gia, quốc gia duy nhất có thể khiến Nga chùn bước ở khu vực này chỉ có thể là Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Istanbul vào tuần trước, nhiều nhà phân tích đã suy đoán rằng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Kiev.

Kế hoạch này có vẻ rất hứa hẹn. Ankara đang tìm kiếm một vị thế quốc tế lớn hơn sau khi Tổng thống Erdogan tái đắc cử. Đồng thời, việc Nga bộc lộ những suy yếu sau vụ binh biến của Wagner cũng cung cấp thêm động lực cho Ankara hành xử độc lập hơn.

Đáng kể nhất mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi lập trường để ủng hộ Thụy Điển gia nhập khối NATO trong thời gian tới – một động thái đã khiến Nga “phật lòng”. Chưa hết, Ankara còn khiến Moscow vô cùng tức giận khi tự ý trao lại cho Ukraine 5 chỉ huy quân sự của tiểu đoàn Azov đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận với Nga.

Những tín hiệu quay lưng với Nga mới đây nhất khiến nhiều nhà quan sát kỳ vọng quân đội của ông Erdogan có thể đóng một vai trò lớn hơn đối với an ninh lương thực toàn cầu – bằng cách nhanh nhất là bảo trợ an ninh cho các chuyến tàu lương thực của Kiev đi qua eo biển Đen.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã phản bác khả năng này, cho rằng ông Erdogan sẽ không dại dột gây hấn với Nga và đẩy nguy cơ va chạm an ninh trên biển Đen. Chính ông Vasyl Bondar, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã bác bỏ khả năng này: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ đối đầu công khai với Nga, vì vậy việc Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống các tàu là vô nghĩa”, ông nói với tờ Politico mới đây.

Cảng Constana của Romania là một giải pháp Ukraine cân nhắc

Cảng Constana của Romania là một giải pháp Ukraine cân nhắc

Ngoài ra, một giải pháp tài chính khác mà Ukraine đang tính tới là huy động một quỹ bảo lãnh cho các tàu vận tải - trị giá khoảng 500 triệu USD - để trang trải mọi thiệt hại hoặc chi phí phát sinh. Quỹ này sẽ hoạt động “giống như bảo hiểm nhà nước”, Chủ tịch Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine, Mykola Gorbachov nói. Ví dụ, nếu Nga tấn công và gây thiệt hại, Ukraine sẽ chỉ việc trích quỹ ra và lo toàn bộ chi phí.

Tại hội nghị của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc vào tuần trước tại Rome, ông Gorbachov cho biết đã đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) đứng ra trả số tiền bồi thường này và Ukraine sẽ hoàn trả chi phí sau. Người phát ngôn của EC không bình luận về những suy đoán, nhưng thừa nhận EC “sẽ sẵn sàng khám phá tất cả các giải pháp” đóng góp cho mục tiêu đảm bảo ngũ cốc Ukraine có thể tiếp cận thị trường thế giới.

Thứ hai, Ukraine cũng đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế để thoát ra Biển Đen. Cảng biển gần Ukraine nhất là Constanța của nước láng giềng Romania, đang nổi lên như một sự thay thế khả thi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cho giải pháp này. Trước hết, công suất của cảng này còn hạn chế. Theo ông Cezar Gheorghe, chuyên gia công ty tư vấn thị trường ngũ cốc Romania AGRIColumn, cảng Constanța có thể xử lý tối đa 25 triệu tấn ngũ cốc và hạt dầu mỗi năm. Thậm chí, điều này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện hậu cần và thời tiết hoàn hảo. Theo ông, nếu Ukraine chuyển hướng xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen qua Constanța, họ sẽ phải tìm cách tăng gấp đôi khả năng xử lý để đáp ứng số lượng.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp Romania cũng sẽ cản trở kế hoạch này. Romania là một trong năm quốc gia châu Âu cấm nhập khẩu một số thực phẩm của Ukraine sau khi tình trạng dư thừa ngũ cốc tích tụ dọc theo các tuyến đường xuất khẩu đường bộ do EC thiết lập vào năm ngoái. Ngũ cốc giá rẻ của Ukraine đã khiến các nông dân các nước này bị thiệt hại nặng nề, gây ra tình trạng biểu tình ở nhiều nơi.

Sông Danube cũng có thể là một

Sông Danube cũng có thể là một "kế hoạch B" cho ngũ cốc Ukraine

Thứ ba, Ukraine đang tính xuất khẩu ngũ cốc với khối lượng nhiều hơn qua sông Danube - bắt nguồn từ Romania đi về hướng Tây Âu - bằng cách sử dụng các bến neo đậu.

Khoảng 2 triệu tấn thực phẩm hiện được xuất khẩu mỗi tháng bằng tuyến đường này, tăng đáng kể so với mức vài trăm nghìn tấn trước chiến tranh. Ông Gorbachov cho biết con số này có thể tăng gấp đôi lên 4 triệu, tuy nhiên điều đó vẫn phụ thuộc vào việc Romania có cho phép Ukraine hoạt động trong lãnh hải của mình hay không.

>>Cán cân quyền lực trên biển Baltic ra sao khi NATO kết nạp Thụy Điển?

Việc Nga rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen là một đòn giáng mạnh vào Ukraine và cả thế giới. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) đã cảnh báo về “những tác động lan tỏa thảm khốc đối với tình trạng mất an ninh lương thực nhất trên thế giới nếu không đạt được thỏa thuận”. Trước chiến tranh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, với khối lượng khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc và hạt dầu mỗi tháng qua các cảng ở Biển Đen.

Có thể bạn quan tâm

  • Nga tung

    Nga tung "quân cờ lương thực" gây khó Ukraine và phương Tây

    04:00, 16/07/2023

  • JEF -

    JEF - "lối thoát" cho an ninh Ukraine hậu chiến sự

    04:00, 17/07/2023

  • Khủng hoảng ngũ cốc “tiếp lửa” chiến sự Nga - Ukraine

    Khủng hoảng ngũ cốc “tiếp lửa” chiến sự Nga - Ukraine

    04:30, 18/07/2023

  • Thảm họa thiên nhiên sẽ giúp

    Thảm họa thiên nhiên sẽ giúp "hàn gắn" quan hệ Mỹ - Trung?

    04:00, 18/07/2023

TRƯỜNG ĐẶNG